CN 26 TN A. Những gợi ý suy niệm Lời Chúa.

Thứ sáu - 23/09/2011 09:47

-

-
Đã là người có lương tri bình thường thì không ai vô tâm, bạc tình khi sống quay lưng với cội nguồn lịch sử và cũng ít có ai sống mà không hướng tới tương lai. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng cái hôm nay mới là cái mang tính quyết định.
LÀM NGAY HÔM NAY!
(Chúa Nhật XXVI TN A)
 
Lm Giuse Nguyễn văn Nghĩa HT71
 
Những gì hôm qua thì đã qua, chuyện ngày mai thì chưa tới, còn việc hôm nay thì đang ở trong tầm tay. Đã là người có lương tri bình thường thì không ai vô tâm, bạc tình khi sống quay lưng với cội nguồn lịch sử và cũng ít có ai sống mà không hướng tới tương lai. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng cái hôm nay mới là cái mang tính quyết định. Chính vì thế nhiều lúc chúng ta cần phải có thái độ “tự do” một cách nào đó với những gì đã qua và với những gì chưa tới.
 
Đừng quá bám víu vào sự đã qua cho dù đó là những thành quả lẫy lừng, những chiến công hiển hách hay là những thất bại ê chề, những lỗi lầm tủi nhục. Nếu quá khứ của ta là những sự màu hồng thì đáng trân trọng, nhưng hãy coi chừng chuyện thường tình của kiếp người là rất dễ ngủ quên trên chiến thắng và nhất là hãy đề phòng cám dỗ tự kiêu, tự mãn, một cám dỗ thường gây “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Thực tiễn cho thấy chuyện vì tự hào, tự mãn“đã đánh thắng hai đế quốc to”, nên các nhà lãnh đạo nước Việt đã dần đưa đất nước ngụp lặn trong hố sâu của nghèo khó, tụt hậu do chính cái tư duy, nếp nghĩ và cung cách hành xử kiểu “chủ quan, duy ý chí”. Nếu quá khứ của ta vướng đầy những sự nhuốm màu tím hay đen thì cũng đáng nghiền ngẫm để tự kiểm và rút kinh nghiệm, nhưng cũng phải canh chừng cám dỗ buông xuôi, ngã lòng. Lỗi lầm nào cũng để lại vết thương đau. Thất bại là mẹ thành công. Có người do bị ám ảnh bởi những lỗi lầm, hay thất bại của quá khứ mà nản chí, buông xuôi. Cũng có người biết tích lũy những vết thương đau thành chuỗi kinh nghiệm làm nền tảng cho những thành quả hôm nay. Bài học lịch sử thật đáng quý, tuy nhiên lịch sử không phải là vòng tròn lặp lại cái đã qua như cũ, như xưa.
 
Đừng quá ảo vọng vào những gì chưa đến. Tương lai thường chất chứa những sự tốt đẹp, vì đó là ước mơ của con người. Chẳng ai lại đi mơ ước điều xấu xa tồi tệ cho chính mình. Họa hiếm mới có một đôi người, khi ở trong tình trạng bất bình thường, mới mong những sự chẳng nên cho bản thân. Đã là người, cần phải có hoài bảo và ước mơ. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước cám dỗ xa rời thực tế. Đã có đó một vài chủ thuyết vẽ vời viễn ảnh tương lai “to đẹp hơn gấp mười, gấp trăm ngày nay” để rồi lòe bịp đồng loại lãng quên không nhìn thẳng vào cái hiện tại, một hiện tại đầy bất công, dối trá…
 
Thiên Chúa là Đấng của hôm nay: Với Thiên Chúa, cái hiện tại là cái quan trọng nhất, là cái có tính quyết định. Trước đây ngươi sống công chính mà bây giờ ngươi làm điều gian ác thì ngươi phải chết. Người tội lỗi xưa làm nhiều sự gian ác mà bây giờ bỏ điều dữ, làm điều chính trực công minh thì sẽ được sống. Ngôn sứ Êdêkien minh nhiên nói thay Thiên Chúa sự thật này (x.Ed 18,27-28).
 
Đến trần gian, Chúa Kitô thường cảnh tỉnh nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, những người vốn tự hào về công nghiệp đã qua của mình. Khi kể câu chuyện về hai người con, Chúa Kitô đã làm nổi rõ cái giây phút hiện tại. Người con cả sở dĩ được chấp nhận dù trước đó không vâng lời Cha nhưng giờ này anh hối hận và vâng theo lời cha. Trái lại, người con thứ, trước đó đã mau mắn đáp vâng lời cha mà giờ này anh lại không làm theo ý cha thì cũng bằng không. Để khẳng định chân lý này Chúa Kitô còn nói với những Thượng tế và kỳ mục hôm ấy bằng một kiểu nói long trọng: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin.” (Mt 21,31-32). Một số nhà chú giải phân tích chữ “trước” còn có nghĩa là “thay thế”, nghĩa là những người thu thuế và gái điếm sẽ thế cái chỗ của các vị Thượng tế và kỳ mục trong Nước Trời. Kết thúc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”, Chúa Kitô đã nêu bật lời của người cha với đứa con cả: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”(Lc 15, 32).
 
Sống mà không có ngày mai là một cuộc sống thiếu định hướng, thiếu tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên cái của ngày mai phải được đặt nền tảng vững vàng trên cái của hôm nay. Nhiều khi chúng ta có thể quá lo lắng cho những sự chưa đến mà bỏ quên bổn phận trong hiện tại. “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo…”(Mt 6,34). “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11). “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa!” (x.Tv 95,7-8)
 
Đừng để đến ngày mai những gì tốt đẹp và phải đạo có thể làm trong ngày hôm nay: Xét về mặt tiêu cực, dưới nhãn quan đức công bằng thì nếu giam tiền công nhật của người làm công đến hôm sau là đã phạm lỗi bất công (x.Lv 19,13). Còn trên bình diện đức ái thì nếu bỏ qua một việc tốt, một việc lành trong khả năng và hoàn cảnh của ta hôm nay thì đã phạm một điều tồi tệ, đó là tội thiếu sót mà chúng ta thường đấm ngực thú lỗi trong phần khởi đầu của Thánh Lễ: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và những điều thiếu sót…”
 
Lúc sinh thời, mỗi khi gặp những người bệnh tật, dù đó là ngày Lễ nghỉ và theo luật Do Thái giáo bấy giờ thì không được phép, nhưng Chúa Giêsu vẫn ra tay thi ân giáng phúc, bất chấp nhiều luật sĩ và biệt phái giận dữ chống đối và thậm chí còn tìm cách giết Người. Phải làm ngay hôm nay, lúc này, ở đây (hic et nunc) những điều chính đáng và phải đạo trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Bởi chưng, nhiều lúc, chính khi không làm điều thiện là làm điều ác, không cứu sống là giết chết, không bênh vực công lý là toa rập với sự gian dối, bất công… (x.Mc 3,4).
 
Những kẻ tự cao là những người luôn nhớ và muốn kẻ khác nhớ mình đã làm một sự gì đó. Những người tự ti là những người không thể quên và nghĩ rằng người ta không thể quên mình đã lầm lỡ một sự gì đó. Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó (mà không bao giờ làm) ( Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose - Ngạn ngữ Pháp ). Những người hèn nhát là những người luôn khát khao một sự gì đó (mà không dám làm). Còn những người công chính là những người bắt tay làm ngay những sự phải làm, đáng làm, nên làm, hôm nay, lúc này.
 
-------------------------------------------------

Cải thiện cuộc sống

(Suy niệm Tin Mừng Matthêu (Mt 21,28-32) trích đọc vào Chúa Nhật 26 thường niên)
 
 Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Đã là người thì không ai tránh khỏi lỗi lầm.
 
Vì mọi người đều mắc phải lầm lỗi nên bất cứ ai cũng cần phải sám hối và sửa mình. Mắc phải lầm lỗi thì không đáng lên án, nhưng thái độ ngoan cố không nhận lỗi, không ăn năn hối hận và chìm đắm trong tội là điều tai hại và rất đáng tiếc.

Thế nên, hôm nay Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta bài học rất quan trọng giúp chúng ta ăn năn phục thiện để trở thành người tốt.

Để cụ thể hoá bài học của mình, Chúa Giê-su dùng dụ ngôn sau đây:

Một người cha có hai con. Sáng hôm ấy, ông đến với đứa con thứ nhất và bảo nó: "Nầy con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho với cha". Nó ương ngạnh trả lời: "Không! Con không đi!".

Người cha buồn lòng lặng lẽ quay sang đứa khác, mời nó ra vườn làm việc với ông. Cậu nầy dạ dạ vâng vâng: "Con sẽ đi!", nhưng rồi không thấy tăm hơi đâu cả.

Sau đó, người con thứ nhất hồi tâm lại, thấy được sai trái của mình nên hối hận vác cuốc ra đồng cùng làm với cha.
                                   
Thế là người con thứ nhất, dù ban đầu có phần ương bướng, nhưng biết xét lại, biết nhận ra lỗi mình và có quyết tâm sửa chữa nên đáng tuyên dương. Khi nói với các thượng tế và kỳ lão rằng: "Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông", Chúa Giê-su có ý chê trách những người nầy vì không biết ăn năn sửa lỗi đồng thời ngợi khen những người tội lỗi biết sám hối ăn năn sửa mình.

Chúa Giê-su còn đặc biệt tỏ lòng yêu mến đối với những người biết hối cải qua câu chuyện người cha nhân lành và đứa con phung phá. Khi người con hoang đã phá sạch cả nửa gia tài với bọn đàng điếm nhưng rồi biết hồi tâm lại, biết thống hối ăn năn và quyết tâm chỗi dậy trở về cùng cha thì người cha quên hết mọi lầm lỗi của nó, chạy ra ôm hôn nó, tiếp đón nó với tất cả tình yêu thương.
 
***
Vào những năm kinh tế còn khó khăn, gia đình ông Tư sắm được một chiếc xe máy Honda đời 67. Ông ra công bảo quản nó rất chu đáo; ngày ngày tỉ mỉ lau chùi từng chân căm, rồi lại dành ra cả tấm mền để trùm cả chiếc xe cho khỏi bụi. Ông cưng xe hơn cưng con, chẳng cho ai đụng đến. Nếu xe bị trầy, ông vô cùng xót xa. Nếu xe có gì trục trặc, dù rất nhẹ, ông phải đưa ra thợ sửa chữa liền. Trong khi đó, bản thân ông mang nhiều tật xấu thói hư, bị hàng xóm láng giềng chê cười xa lánh, thì ông chẳng quan tâm sửa mình.
 
Bản thân con người quý hơn xe cộ cả triệu lần, nhưng khi bản thân hư hỏng, xuống cấp… nhiều người không cho là quan trọng! Xe hư, máy hư thì lo sửa liền, còn người hư thì cứ để mặc. Cứ để hư cho đến chết thì thôi! Thật là điều phi lý.

Khi mặt mày chúng ta lem luốc vì lọ nghẹ hay dầu mỡ, chắc chắn ai trong chúng ta cũng vội lau rửa cho sạch sẽ ngay.
 
Khi thấy áo quần dơ bẩn và rách rưới, chúng ta sẽ thay áo khác liền.
 
Khi cơ thể chúng ta dơ dáy và bốc mùi hôi, chắc chắn chúng ta sẽ tắm rửa ngay không trì hoãn.
Vậy thì khi tâm hồn chúng ta lem luốc, dơ bẩn vì tội lỗi thói hư, lẽ nào chúng ta lại cứ để mặc như thế hết ngày nầy qua ngày khác sao?
 
Trong công nghệ thông tin hay sản xuất hàng tiêu dùng, việc cải tiến chất lượng sản phẩm là vấn đề sinh tử của các công ty. Châm ngôn của các nhà phát minh và chế tạo là: “Cải tiến hay là chết.” Thế nên người ta không ngừng rà soát lại những nhược điểm của sản phẩm và phải khắc phục bằng mọi giá trước khi tung ra thị trường.

Giá trị con người vượt xa giá trị hàng hoá cả triệu lần. Ước gì trong lĩnh vực đạo đức, mỗi người cũng rà soát lại những khuyết điểm của mình để cải thiện cho xứng với tầm vóc người con cái Chúa.
 
Nguyện xin Chúa Giê-su ban ơn giúp sức cho chúng ta thực hiện được công cuộc cải thiện tối cần thiết nầy.
---------------------------------------------------
Chúa Nhật XXVI Thường Niên A
 
Họ Đã Tin
 
Lm Louis Gonzague Đặng Quang Tiến
 
Mt 21:28-32: 28"Các ông nghĩ sao? Một người có hai con. Ði gặp đứa thứ nhất, ông bảo: "Này con, con hãy đi làm việc vườn nho!". 29 Ðáp lại, nó thưa: "Tôi không muốn!" Nhưng về sau nó hối hận và đã ra đi. 30Ði gặp đứa thứ hai, ông cũng bảo như vậy; đáp lại nó thưa: "Vâng! Thưa Ngài!" Nhưng nó đã không đi. 31 Ai trong hai người đã làm theo ý người cha?" Họ đáp: "Người thứ nhất". Ðức Yêsu nói với họ: "Quả thật, tôi bảo các ông, quân thu thuế, lũ đàng điếm qua trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa. 32 Vì Yoan đến với các ông theo đàng công chính, nhưng các ông đã không tin ông ấy. Còn quân thu thuế, lũ đàng điếm đã tin ông ấy. Còn các ông thấy vậy, các ông cũng không biết hối hận để sau đó cũng tin vào ông".
 
Dụ ngôn về hai người con (21:28-32) nằm ngay sau tranh luận về quyền bính của Chúa Giêsu (21:23-27). Dụ ngôn nầy tiếp tục cuộc đối thoại trước. Những dữ kiện chứng minh cho điều nầy. Trong đoạn trước, Chúa Giêsu đã không trả lời câu hỏi được đặt ra cho Ngài, và Ngài đã kể dụ ngôn nầy và áp dụng dụ ngôn nầy cho “các thượng tế và niên trưởng”. Các hạn từ liên kết hai đoạn: “các ông” (c. 28) là các thượng tế và niên trưởng”, “Gioan” vẫn còn bàn đến (21:25.26.32), cụm từ “các ông không tin vào ông ấy” (21:25) được lập lại ở 21:32. Vì thế để hiểu dụ ngôn, cần am hiểu đoạn tranh luận về quyền bính (21:23-27). Đoạn nầy có thể chia thành hai phần: - Dụ ngôn hai người con (cc. 28-31a) và Áp dụng dụ ngôn (cc. 31b-32).
 
Dụ ngôn hai người con (cc. 28-31a)
 
Dụ ngôn ngắn gồm một câu hỏi mở đầu “Các ông nghĩ sao?” (c. 28a), một tiền đề “Một người có hai người con”, và sau đó là hai đối thoại song song giữa người cha với hai người con (cc. 28b- 30). Từ prōtō, “người thứ nhất” đóng khung đoạn nầy.
 
Câu hỏi mở đầu “Các ông nghĩ sao?” lôi kéo sự chú ý. Matthêô dùng nhiều lần cách đặt câu hỏi nầy (x. 17:25; 18:12; 22:17; 22:42; 22:66). Điểm tương đồng gìữa hai người con nầy là có sự thay đổi ý nghĩ và hành động trong thời gian. Người con đầu từ “Con không muốn” đến “đã ra đi” làm vườn nho (c. 29). Người con thứ từ “Vâng! Thưa ngài” đến “đã không đi” (c. 30). Điểm tương phản giữa hai người là sự sám hối, metamelomai và kéo theo hành động. Chính sự sám hối nơi người thứ nhất làm thay đổi lời từ chối “Con không muốn” thành hành động “anh đã ra đi” làm vườn nho cho cha. Trong khi đó, người con thứ hai không có hành động nào cả. Người con nầy đã thưa lại với người cha một cách chắn chắn “Con đi! Thưa ngài!” nhưng lại không đi. Egō, “Con (đi)” được dùng là để nhấn mạnh, và cách xưng hô kyrie, “Thưa ngài/Chúa” cho thấy người thứ hai tỏ ra tử tế, ít là trong lời nói, đối với lời mời gọi của người cha. Tuy nhiên người con nầy lại không vâng lời đi làm vườn nho cho cha. Cách xưng hô “kyrie” nầy nhắc nhớ câu 7:21: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa", là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên trời” (7:21).
 
Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đặt ra cho các thượng tế và niên trưởng thêm câu hỏi thứ hai để dẫn họ đến kết luận: “Ai trong hai người làm theo ý người cha”. Lần nầy họ không giữ mình lại được như trong câu 27, mà trả lời: “Người thứ nhất” (c. 31a). Như thế, chính họ phán đoán đúng là người làm vui lòng Thiên Chúa là người làm theo ý Ngài.
 
Áp dụng dụ ngôn (cc. 31b-32)
 
Phần hai nầy mở đầu bằng một lời tuyên bố của Chúa Giêsu với công thức long trọng “Quả thật, Ta bảo các ông” là “người thu thuế và  đi trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa” (c. 31b), và tiếp theo là câu giải thích, bắt đầu với gar, “vì” (c. 32).
 
Với khẳng định trên, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu “người thứ nhất” (c. 28.31) chính là “người thu thuế và đàng điếm”. Họ đã “làm theo ý Cha” (c. 31a); bởi đó họ được đi trước vào “Nước Thiên Chúa” (c. 31b). Và trong câu 32, Chúa Giêsu giải thích là những người nầy đã “tin vào Gioan”. Trong tin mừng Matthêô, không tìm thấy một bằng chứng hiển nhiên nào về sự hoán cải của người thu thuế và đàng điếm trước lời rao giảng của Gioan, ngoại trừ câu 3:5-6 trình bày cách tổng quát là “Bấy giờ Giêrusalem và cả xứ Giuđê và khắp vùng giáp cận sông Giorđan trẩy đến với ông và người ta nhờ ông thanh tẩy cho trong sông Giorđan mà xưng thú tội lỗi”. Trái lại, Matthêô để lại nhiều bằng chứng giữa họ với Chúa Giêsu, điển hình là cuộc trở lại của Matthêô và những lần Chúa Giêsu gặp gỡ những người nầy (9:9-10; 11:9; 21:32).
 
Lời khẳng định của Chúa Giêsu “Gioan đến trong đường công chính”, mở đầu câu 32,  xác nhận Gioan là người Thiên Chúa sai đến; tương phản với 11:18. “Đường công chính” đồng nghĩa với “đường lối Thiên Chúa” (22:16; x. Gióp 24:13; Cn 2:20; 8:20; Tv 23:3; 2 Ph 2:21), nghĩa là đường lối theo ý muốn của Thiên Chúa và dẫn đến Ngài và sự sống đời đời (x. 3:15; 5:20; 6:33).
 
Đại diện cho người con thứ hai là các thượng tế và niên trưởng. Phần còn lại của câu 32 gồm ba mệnh đề theo cấu trúc A-B-A’: -  A:  “các ông không tin vào ông”, B: “người thu thuế và đàng điếm tin vào ông”, A’: “các ông không hoán cải mà tin vào ông”.
 
Cấu trúc nầy cho thấy, các thượng tế và niên trưởng đã không tin vào Gioan, động từ “tin” ở thể phủ định” (A), và để có thể tin vào ông, động từ “tin” ở thể khẳng định” như trong mệnh đề B về “người thu thuế và đàng điếm”, cần lòng sám hối, nhưng họ đã không có (A’). Động từ metamelomai, “hoán cải” (c. 32d) đã được dùng cho “người thu thuế và đàng điếm” (c. 29), lại được dùng cho “các thượng tế và niên trưởng”, nhưng ở dạng phủ định: “không hoán cải”. Điều nầy hàm ý trước đây “thượng tế và niên trưởng” giống như người thu thuế và đàng điếm. Tất cả đều là tội nhân, tất cả cần sám hối. Gioan Tẩy Giả gọi họ là “Nòi rắn độc!”và mời họ hoán cải (3:8tt), nhưng họ đã không thay đổi. Họ đã cho Gioan là “bị quỷ ám” (11:18), nên đã không tin vào ông, như lời họ thú nhận ngay trong đoạn trước: “Nếu ta nói: Tự Trời, - thì y sẽ nói với ta: Vậy tạo sao các ông lại không tin ông ấy?” (21:25). Vậy cần hoán cải để tin vào Gioan, nhưng họ đã không làm.
 
Tuy Chúa Giêsu Kitô không nói gì trực tiếp về mình, nhưng ai tin vào Gioan thì cũng tin vào Ngài. Và ai nhận quyền bính của Ngài, thì cũng nhận quyền bính của Gioan mà hoán cải và làm theo ý muốn của Thiên Chúa.
 

Tác giả: Cha Nghĩa, Cha Ngà, Cha Tiến

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập618
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm617
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại946,817
  • Tổng lượt truy cập58,232,686
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây