Giả thuyết về một số nguyên nhân của sự giả dối trong xã hội Việt Nam hiện nay

Thứ năm - 17/04/2014 08:08

-

-
Chưa bao giờ xã hội Việt Nam lại có nhiều tệ nạn xã hội như hôm nay. Một trong những tệ nạn nhức nhối nhất là gian dối. Nó tồn tại hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có nhiều hình thức giả dối ẩn nấp dưới những chiêu bài nghe rất ư là “hợp lý”, ...
Giả thuyết về một số nguyên nhân của sự giả dối trong xã hội Việt Nam hiện nay
 
1. Một số khái niệm cơ bản
 
Khái niệm về trung thực: có thể hiểu trung thực là khái niệm thuộc về phạm trù đạo đức, được dùng để chỉ sự thành thực với tha nhân và cả với chính mình, thành thật cả trong lời nói và hành động; là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.
 
Mâu thuẫn với khái niệm trung thực là không trung thực (để giảm nhẹ tính chất của thuật ngữ này, trong tiếng Việt người ta thường dùng từ thiếu trung thực, hay để nói đích danh đúng tính chất của khái niệm người ta dùng từ giả dối, hay gian dối), là khái niệm dùng để chỉ sự không thành thật với chính mình và với tha nhân, là nguyên nhân sâu xa cho những thói hư tật xấu của con người và xã hội. Khái niệm giả dối có ngoại diên khá rộng bao hàm những khái niệm khác như: nói dối (nói khoác, nói láo, nói điêu, nói phét, bóc phét, ba hoa, khoác lác…), viết dối, ngụy tạo, làm dối, giả hình, lừa đảo, lường gạt, buôn gian, bán lận, … Đúng là sự thật thì chỉ có một nhưng giả dối thì thiên hình vạn trạng.
 
Nói dối là một hình thức của giả dối, dùng lời nói nhằm mục đích che đậy sự thật, cố tình làm cho người khác hiểu sai vấn đề.
 
Giả hình là khái niệm dùng để chỉ hành động làm bộ như đạo đức, chân thật nhằm mục đích thu hút, lấy cảm tình của người khác, để người khác ủng hộ những mưu đồ bất chính của mình… Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu thường lên án hành động này, chẳng hạn như: “Hỡi những kẻ giả hình, các người không khác gì những nấm mồ bôi vôi, vỏ ngoài thì xinh xắn, nhưng bên trong là thây ma và mọi thứ ô uế. Bên ngoài các ngươi có vẻ công chính đối với người ta nhưng bên trong thì đầy giả dối và vô đạo đức” (Mt 23,27-28)…
 
Qua đây, có thể hiểu trung thực và giả dối chủ yếu thuộc về phạm trù luân lý đạo đức, nó bị điều chỉnh bởi những nguyên tắc đạo đức hơn là những quy phạm pháp luật hay quy luật kinh tế, chính trị. Nhưng khi bàn đến đạo đức thì phạm trù lương tâm lại được xem là một trong những phạm trù đóng vai trò nền tảng để đáng giá các chuẩn mực đạo đức.
 
Theo bách khoa từ điển thì lương tâm là năng lực mang tính tự giác của con người tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Nói rộng ra, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, với tha nhân và cũng được coi là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân[1].
 
Theo Kitô giáo, lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ”[2]; hay, lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa”[3]…
 
Có thể khẳng định một lần nữa, lương tâm đóng vai trò là bản thể luận cho luân lý đạo đức. Vì vậy, nếu bàn đến những chuẩn mực đạo đức mà không lấy cơ sở lương tâm để phân định thì tất cả sẽ mơ hồ và mất phương hướng.
 
2. Giả dối đang phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam hôm nay
 
Chưa bao giờ xã hội Việt Nam lại có nhiều tệ nạn xã hội như hôm nay. Một trong những tệ nạn nhức nhối nhất là gian dối. Nó tồn tại hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có nhiều hình thức giả dối ẩn nấp dưới những chiêu bài nghe rất ư là “hợp lý”, được cả thông tin truyền thông “chính thống” nhưng không “chính danh” liên tục truyền đi. Từ hoạt động chính trị, hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế, đến cả hoạt động từ thiện nhân đạo… cũng đều bị gian dối hoành hành. Tất cả những điều đó đã diễn ra, đang diễn ra và có lẽ sẽ vẫn tồn tại trong xã hội chúng ta. Thiết nghĩ, bất cứ ai có lương tri cũng đều dễ dàng nhận thấy thực trạng đó. Vì vậy, ở đây không cần phải dẫn chứng, hơn nữa nếu dẫn chứng thì e không biết dừng ở đâu cho vừa. (Xem thêm bài tham luận “Thật thật, giả giả…khôn lường”.
 
Thật vậy, giả dối trong xã hội Việt Nam đang “lên ngôi”, giả dối trở nên như “phương tiện của kẻ yếu thế và là thủ đoạn của kẻ cầm quyền” nhằm đạt được những mục đích bất chính; người ta giả dối mà không cảm thấy xấu hổ, không cảm thấy áy náy lương tâm; người ta hầu như mất ý thức về sự giả dối, không xem giả dối là một tính xấu, là mầm mống của những thói hư tật xấu khác mà xem như chuyện bình thường.
 
3. Giả thuyết về một số nguyên nhân của sự giả dối trong xã hội Việt Nam hiện nay
 
Nếu tiếp cận ở những gốc độ khác nhau, mỗi người có thể đưa ra những lý giải khác nhau về sự giả dối. Ở đây xin được tiếp cận đa chiều, đi từ nguyên nhân xa, nguyên nhân gián tiếp, đến nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp để lý giải về nguyên nhân của sự giả dối trong xã hội chúng ta hôm nay.
 
Thứ nhất, giả dối là do “di truyền luân lý”. Khi nguyên tổ của loài người phạm tội bất tuân lệnh Chúa thì cái ác, cái xấu đã xâm nhập vào nguyên tổ, có lẽ một trong những cái xấu xâm nhập sớm nhất mà chúng ta có thể nhận diện được rõ nhất đó là sự gian dối. Hai ông bà vì gian dối, đã ẩn nấp, đã không đủ can đảm để đối mặt với Chúa, với sự thật; hai ông bà đã cố tình lấp liếm tội mình, ông thì đổ lỗi cho bà, bà thì đổ lỗi cho con rắn … Thế nhưng thật may mắn, ông bà còn biết xấu hổ, “nhận thấy mình trần truồng”, còn biết áy náy lương tâm, nên dù bị phạt đuổi ra khỏi vườn địa đàng, phải vất vả bươi đất lặt cỏ để có cái ăn, phải mang nặng đẻ đau…, nhưng nhờ có hối hận nên Chúa vẫn hứa ban Đấng Cứu Độ cho con cháu ông bà…(Xem St, 3, 1 – 20).
 
 Sự gian dối của hai ông bà nguyên tổ đã “di truyền” trực tiếp lại cho Cain, con trai của hai ông bà. Cain vì nghen ghét đã cố tình giết Abel, em mình, nhưng khi Chúa hỏi: “Em người đâu – Ou est ton frere Abel” thì Cain bảo rằng “Je ne sais pas, je suis le gardien mon frere? – con đâu phải là người trông giữ em con đâu?” Chúa thấu biết tất cả, đã chỉ ra tội ác của Cain và đưa ra hình phạt cho Cain, và rồi Cain cũng đã hối lỗi và Chúa cũng đã hứa ban cho ông đặc ân, có dấu chỉ riêng trên trán để không ai được giết ông…(Xem St, 4, 1-15).
 
Và rồi từ sự gian dối của nguyên tổ, sự gian dối đã “di truyền” lan tràn cho con cái loài người. Trong Cựu ước không thiếu những mẫu chuyện kể về sự gian dối và trong Tân ước cũng thấy sự giả dối thường xuyên xuất hiện. Chúa Giêsu vẫn thường lên án những người thuộc nhóm pharisiêu, biệt phái thói “giả hình”. Nhưng điển hình nhất phải kể đến sự giả dối của hai môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, đó là Phêrô và Giuđa. Một ông là tông đồ cả, một ông là thủ quỹ, đều đã giả dối; Giuđa thì lừa gạt để bán Thầy của mình, còn Phêrô thì chối Thầy mình, không giám thừa nhận sự thật mình là môn đệ của Jesus… Vậy có thể khẳng định nguyên nhân sâu xa có tính thần học luân lý, gian dối là một thuộc tính cố hủ của con người, nó được “di truyền” từ tật xấu của nguyên tổ nhân loại.
 
Nếu xét sâu xa từ thực tế xã hội chúng ta hôm nay thì giả dối phát xuất từ sự tham lam và sợ hãi của con người. Vì tham danh vọng, tham chức, tham quyền, tham địa vị, tham của cải vật chất, tham sống… nên người ta đã giả dối. Vì sợ chết, sợ mất mặt, sợ mất địa vị, sợ mất của cải vật chất… nên người ta đã giả dối. Tham lam, sợ hãi, giả dối như một vòng tròn khép kín, cái này vừa là tiền đề, cũng vừa là hậu quả của cái kia.
 
Nhưng nếu là “di truyền” từ nguyên tổ thì mọi người, mọi dân tộc cũng giả dối như nhau chứ ? Thế nhưng tại sao người này, dân tộc này lại trung thực hơn người kia, dân tộc kia…??? Vậy chắc chắn gian dối không phải chỉ là “di truyền luân lý” mà còn có những nguyên nhân khác nữa như tâm lý truyền thống dân tộc, ý thức hệ, chủ trương của nhà cầm quyền, nền giáo dục…
 
Thứ hai, giả dối trong xã hội hôm nay, một phần là do não trạng và cách hành xử truyền thống người Việt Nam. Có thể nói, nếu truyền thống dân tộc nào đề cao trung thực (được cụ thể ra bằng những câu ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn…) thì chắc chắn dân tộc đó, xã hội đó trung thực hơn những dân tộc ít đề cao trung thực, hay thậm chí ủng hộ sự giả dối.

Ngạn ngữ người Việt thường nói “dĩ hòa vi quý”, tư là không muôn mất lòng người khác nên không dám nói lên sự thật, vì “sự thật thì hay mất lòng”, ai cũng muốn mình trong mắt mọi người là đáng quý, đáng mến, dễ thương, tinh tế, không muốn bị mang tiếng là kẻ chọc gậy bánh xe, là kẻ khó tính, hay phê bình… tâm lý này cũng phản ánh tính chất không muốn va chạm, chỉ muốn an phận thủ thường, tạo nên tính chất nhu nhược, sợ hãi. Bên cạnh đó, tâm lý cho rằng “tốt khoe, xấu che”, “đừng vạch áo cho người xem lưng”, “người ta bắt thằng ăn trộm chứ ai bắt thằng nói láo”, “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, lươn lẹo luồn lách lại lên lương”… thể hiện sự dung túng và bao biện cho tính giả dối. Thế rồi mặc nhiên tạo nên tâm lý phô trương, khoác lác, lươn lẹo… Bên cạnh đó, tâm lý giáo dục truyền thống cũng thường hay hù dọa, khiến người học sợ hãi, tìm cách đối phó, che đậy sự thật…  Tất cả những tâm lý truyền thống ấy đã ảnh hưởng đến tâm thức của người Việt Nam, khiến nhiều người nhận thấy giả dối có lợi hơn trung thực, khiến nhiều người thích sống giả dối hơn trung thực.
 
Nhưng chúng ta cũng có thể đặt lại vấn đề, nếu do truyền thống thì tại sao ngày xưa xã hội ông cha ta không dối gian như xã hội chúng ta hôm nay? Đúng vậy, mặc dù tâm lý truyền thống người Việt Nam phần nào đã dung túng cho thói giả dối của người Việt Nam, nhưng sự giả dối đang “lên ngôi” chắc chắn xuất phát từ những nguyên nhân trực tiếp khác trong xã hội chúng ta hôm nay.
 
Một số người cho rằng nguyên nhân của sự giả dối, của các tệ nạn trong xã hội chúng ta hôm nay là do mặt trái của kinh tế thị trường, do quá trình toàn cầu hóa quá nhanh…  Tôi cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính, vì những nước có nền kinh tế thị trường, chịu sự tác động của toàn cầu hóa sớm hơn chúng ta như Singapore, Thailand, Malaisia… họ không mắc phải tệ nạn như xã hội chúng ta. Ngược lại, Trung Quốc, một nước rất lớn, đã từng là nôi của các hệ thống luân lý đạo đức, là nôi của nền văn hóa của cả một vùng Đông Á, vậy mà chỉ mấy mươi năm nay, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay họ cũng mắc phải căn bệnh giả dối nan y như Việt Nam chúng ta. Thậm chí họ còn nặng hơn chúng ta, đến nỗi khi nhìn thấy hoặc nhắc đến sản phẩm gì của họ hầu hết mọi người đều phải xua tay, lắc đầu sợ hãi. Tôi nghĩ rằng thực trạng giả dối của xã hội Trung Quốc và của Việt Nam chúng ta chắc chắn có cùng một nguyên nhân cơ bản nhất, đó là chủ nghĩa Mác – Lenin mà đảng và nhà nước của cả hai quốc gia lấy làm hệ tư tưởng chủ đạo cho cả xã hội. Vậy, xin được mạnh dạn bàn đến nguyên nhân cơ bản này.
 
Thứ ba, do ý thức hệ chủ đạo có những khiếm khuyết, sai lầm. Chủ nghĩa Mác – Lênin mà Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam đang lấy làm “kim chỉ nam”, lấy làm “nền tảng tư tưởng” cho mọi hoạt động của đời sống xã hội có những khiếm khuyết và sai lầm nghiêm trọng.
 
Chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết kinh tế – chính trị, khiếm khuyết về triết học đạo đức, “thiếu đạo lý làm người”. Thật vậy, học thuyết này trình bày khá hệ thống và chi tiết về những phạm trù như: cách mạng xã hội, bạo lực cách mạng, giai cấp, đấu tranh giai cấp, cướp chính quyền, chuyên chính vô sản (dùng giai cấp vô sản trấn áp các gia cấp khác), lãnh tụ cách mạng, quần chúng, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, tư liệu sản xuất, đối tượng sản xuất, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng… Ngược lại, học thuyết này không hề bàn đến những phạm trù đạo đức xã hội, những phạm trù đóng vai trò bản thể luận của đạo đức xã hội trong mọi thời đại như nhân quyền, nhân phẩm, lương tâm, tự do lương tâm, trách nhiệm, trung thực, công bằng, khiêm nhường, nhẫn nhục, từ bi, bác ái… Thậm chí trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” Mác đã phê phán, phủ định những chuẩn mực đạo đức có tính nhân loại phổ biến, đồng thời đưa ra những luận điểm bạo lực và cho đó là khoa học, là chân lý… Gần đây, một nhà nghiên cứu, đảng viên kỳ cựu đảng cộng sản Việt Nam, khi so sánh Nho giáo với chủ nghĩa Mác – Lênin đã nói “Chủ nghĩa Mác thiếu đạo lý”; hay giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đảng cộng cộng sản kỳ cựu, trong một bài tham luận hội thảo đã nhận định chủ nghĩa mác có những sai lầm nguy hiểm[4]…
 
Thế nhưng khi những nhà cầm quyền tuyệt đối hóa học thuyết này thì cũng đồng thời áp đặt vào trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội kể cả luân lý đạo đức những phạm trù chính trị mác xít, khiến đời sống đạo đức con người trong xã hội đang bị lệch lạc giá trị. Vì tuyệt đối hóa học thuyết nên thiếu tính khoan dung dẫn đến một xã hội thiếu tự do dân chủ: thiếu tự do ở đây tôi muốn nói là thiếu tự do lương tâm và trách nhiệm. Lẽ ra khi nghe theo tiếng nói tự do lương tâm, người ta có thể hành động, nhưng vì tiếng nói tự do lương tâm luôn bị những áp lực của bởi những thế lực đang hiện hữu nên điều người ta biết đúng, biết sai nhưng cũng không ai dám nói ra, sợ bị liên lụy, không phải chỉ mình mà còn liên quan đến gia đình, người thân… Người ta tìm giải pháp tối ưu là tránh né. Trong xã hội, lẽ ra báo chí phải là tiếng nói sự thật, tiếng nói phản biện xã hội. Nhưng ở nước ta, báo chỉ thông tin “lề phải” được kiểm soát một cách rất nghiêm ngặt; tiếng nói của báo chí luôn phải phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách, lợi ích của đảng, của giai cấp lãnh đạo nên nhiều lúc thông tin bị bóp méo không phản ánh đúng sự thật. Đúng như nhận định của người xưa: “giả dối là phương tiện trú ẩn của kẻ yếu thế, nhưng là thủ đoạn của kẻ quyền lực”.
 
Khi tuyệt đối hóa học thuyết, mác xít hóa mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thì cũng đồng thời xem thường các hệ tư tưởng khác, thậm chí phê phán, lên án, phủ định các hệ thống tư tưởng khác nên đã đánh mất những giá trị đạo đức phổ biến hằng ngàn năm của dân tộc, của nhân loại, khiến hằng triệu người Việt Nam xa lạ với những phạm trù tư tưởng như lương tâm, bổn phận, “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, “bất vọng ngữ, bất sát sinh, bất đạo tặc, bất ẩm tửu, bất tà dâm”, “thảo kính cha mẹ, chớ giết người, chớ dâm dục, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối, chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người”, công bằng, từ bi, bác ái… Có chăng chỉ một số ít các tín đồ của các tôn giáo được học tập và tuân giữ, hay một số rất rất ít những người nghiên cứu biết đến những phạm trù đạo đức ấy, còn hầu hết cán bộ và đa số người dân trong xã hội không biết đến, hay có biết đến cũng rất mơ hồ.
 
Từ một học thuyết khiếm khuyết đạo lý ấy, nhưng lại đóng vai trò bao trùm trong đời sống xã hội, từ chính trị, pháp luật, kinh tế, giáo dục, khoa học, văn hóa nghệ thuật và cả tôn giáo nữa, ở đâu cũng thấy hình bóng của học thuyết này chi phối. Tôi cho rằng một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hiện nay có tính gian dối là do thiếu nhận thức đạo đức về những giá trị của lương tâm, trách nhiệm, trung thực… Vì không được giáo dục, không hiểu thấu đáo những giá trị đó nên người ta cảm thấy không trung thực cũng là chuyện bình thường, không có gì áy náy lương tâm… Đúng là: người ta không biết điều thiện nên người ta đã làm điều ngược lại.
 
Bên cạnh đó, chủ nghĩa duy vật mà Nhà nước và Đảng cộng sản đang lấy làm “kim chỉ nam” của hành động quá đề cao yếu tố vật chất (duy vật), đến mức xem nhẹ các giá trị tinh thần. Người ta xem vật chất quyết định tinh thần trong mọi trường hợp nên bất cứ mọi mối quan hệ xã hội, người ta đều xuất phát điểm là vật chất, phương tiện thực hiện cũng là vật chất. Vì thế, gần đây mới có những câu như: “cái gì không mua được bằng tiền thì chỉ có thể mua được bằng nhiều tiền”, “không có việc gì khó chỉ sợ tiền không nhiều, đào núi và lấp biển không làm được thì thuê”… Để đạt được lợi ích vật chất người ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được lợi ích bất chính, bỏ qua những giá trị đạo đức, giá trị tinh thần, nhân văn vĩnh cửu.
 
Bên cạnh đó, vấn đề chủ trương công hữu về tư liệu sản xuất (làm chủ tập thể về tư liệu sản xuất) đã tạo điều kiện cho con người tham lam bất chính, muốn chiếm của công làm của tư, bắt tay với nhau vì lợi ích vật chất bất chính, người ta có thể hành động thiếu trung thực nhằm bòn rút những tài sản của nhân dân.… Do lấy học thuyết duy vật làm cơ sở của một xã hội nên tạo cơ chế quản lý của cải xã hội bất hợp lý, dẫn đến tạo cơ hội cho lòng tham bất chính con người trỗi dậy và từ đó con người thiếu trung thực, tìm cách để dối trá, lừa đảo, rút ruột… nhằm thu lợi bất chính.
 
Thứ tư, xã hội quá đề cao về danh lợi, thành tích… làm cho con người háo danh và mắc bệnh thành tích. Người ta bất chấp, bằng mọi giá phải đạt cho bằng được thành tích. Việc đề cao đó được cụ thể hóa vào trong từng tổ chức của xã hội từ thấp đến cao. Chẳng hạn như trong trường học, trong công ty, có những ban chuyên đánh giá thành tích, khen thưởng. Cứ mỗi năm ít nhất đánh giá một lần để khen thưởng. Trung ương có cả một ban chuyên trách về thi đua và khen thưởng. Có những câu khẩu hiệu như: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”. Trong quá trình tuyển dụng người hoặc cất nhắc, đề bạt lên vị trí này, vị trí kia chủ yếu không xét năng lực thực sự mà xét bằng cấp, lý lịch, thành tích… Từ đó làm cho người ta nhận thấy thiếu trung thực cũng không sao, miễn là có được bằng cấp, có được thành tích như là đích đến, người ta sẵn sàng lừa dối.
 
Thứ năm, hệ thống và quan điểm giáo dục của Việt Nam đang bị lệch lạc. Mặc dù giáo dục Việt Nam chưa bao giờ xác định triết lý giáo dục Việt Nam là gì nhưng thông qua thực tế hệ thống giáo dục VN hiện nay có thể hiểu được Việt Nam đã biến con người thành phương tiện chứ không phải là mục đích. Hướng người học đến một nghề nghiệp để con người kiếm việc làm và mục đích là kiếm được tiền. Vì vậy, nếu đi tìm đọc tất cả những chương trình của các chuyên ngành đào tạo đại học, chúng ta nhận thấy hoàn toàn bị lệch về đào tạo nghề (chưa nói về chất lượng nghề như thế nào) chứ không phải giáo dục con người. Tức là nặng về đào tạo chuyên môn nghề nghiệp chứ không đề cập đến đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, có chăng cũng rất sơ sài và thiên lệch lạc kiểu như: “vừa hồng vừa chuyên”, tức là thấm nhuần triết học Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách Đảng cộng sản Việt Nam… Nhưng, như đã đề cập trên trên đây, cái đạo đức “vừa hồng” ấy không có những phạm trù đạo đức cơ bản mà xã hội loài người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã thừa nhận như những giá trị phổ biến của nhân loại. Thế nhưng, ai thấm nhuần được cái “hồng” như thế được coi là người có đạo đức, còn ai không như thế bị xem là vô đạo đức, phản động, chống đối … Tôi đồng ý với với nhận định của giáo sư Nguyễn Đình Cống: “quá coi trọng việc chính trị hóa nền giáo dục, quá coi trọng đường lối giai cấp, dẫn đến lệch lạc khi hiểu và thực hiện quan hệ giữa hồng và chuyên, giữa việc đào tạo những con người có khả năng sáng tạo trong tự do và những người trung thành với học thuyết”[5].
 
Có thể nói, từ những nguyên nhân giả dối trên đây đã dẫn đến hậu quả là tạo nên một xã hội thiếu minh bạch, một bộ máy điều hành xã hội cồng kềnh nhưng không hiệu quả, tạo nên những con người cơ hội nhưng thiếu trách nhiệm xã hội; tạo nên không phải ‘một con sâu mà cả một bầy sâu’ tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quền…; khiến con người dần dần mất niềm tin vào tha nhân; các chuẩn mực đạo đức bị xem nhẹ hơn những lợi ích bất chính và trên hết là phẩm giá của con người ngày càng không được tôn trọng từ người khác và nơi chính mình.
 
4. Một số nhận định và giải pháp cho vấn đề giả dối
 
Có lẽ giả dối là một thuộc tính có tính cổ hủ của con người, đúng như ông bà ta nói “dân gian”. Tôi không quan niệm bản tính con người là thiện kiểu như Mạnh Tử: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, hay như Tuân Tử, “Nhân chi sơ tính bản ác”… Tôi quan niệm trong con người có cái thiện có cái ác, có thiện tâm và có ác tâm, kiểu như quan niệm của Platon: trong con người chúng ta như có hai khuynh hướng đối lập nhau như hai con ngựa trắng và ngựa đen luôn giằng co kéo cùng một cỗ xe; hay như Thánh Phaolô “Cái thiện tôi nên làm thì tôi không chịu làm, còn cái ác tôi không nên làm thì tôi lại cứ làm”. Thực trạng thiếu trung thực trong xã hội hôm nay là vì cái xấu, cái ác mà cụ thể ở đây là sự giả dối, sự thiếu trung thực trong xã hội đang thống trị, “ngựa đen đang thắng thế”, hay nói như nhiều bạn trẻ là: giả dối đang lên ngôi…
 
Vậy phải làm sao để sự giả dối không thể lên ngôi, không thể thắng thế trong xã hội hôm nay? Tôi xin được đưa ra một số ý kiến chủ quan dưới đây mà không dám gọi là giải pháp:
 
Thứ nhất, phải có những động thái mạnh mẽ (chẳng hạn như tổ chức hội thảo, tọa đàm về chủ nghĩa Mác – Lênin với văn hóa, luân lý xã hội ở Việt Nam hiện nay. Biết rằng đụng đến pháo đài này không dễ chút nào !) để làm sao cho các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam hiểu được là chủ nghĩa Mác – Lenine không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề của đời sống xã hội, chủ nghĩa Mác có những khiếm khuyết và sai lầm không thể khắc phục, để họ không tuyệt đối hóa chủ nghĩa Mác, bắt buộc họ ít nhất phải có tinh thần khoan dung đón nhận những tư tưởng khác, nhất là những tư tưởng đạo đức mà chủ nghĩa Mác còn khiếm khuyết.
 
Có nhiều ý kiến cho rằng phải xóa bỏ ngay chủ nghĩa Mác – Lenin, tuy nhiên, tôi cho rằng đó là ý kiến cực đoan, vì học thuyết này đã bám rễ khá bền vững vào trong một bộ phận người Việt Nam, hơn nữa nó là giá đỡ, là cơ sở lý luận cho mục đích quyền lực và lợi ích vật chất cho hằng triệu người có chức có quyền, nếu không khéo lại xẫy ra một cuộc nội chiến đẫm máu đau thương của dân tộc. Theo tôi, các nhà tri thức và các chức sắc tôn giáo có lương tâm và trách nhiệm xã hội phải kiên trì lên tiếng mạnh mẽ một cách hòa bình và thiện chí.
 
Thứ hai, phải khẳng định triết lý giáo dục của Việt Nam không thể “vừa hồng vừa chuyên”, có chăng điều đó chỉ áp dụng cho những người theo lý tưởng cộng sản (khoảng 3 triệu người), chứ không thể bao phủ triết lý ấy cho mọi người Việt Nam. Làm sao hàng triệu người Việt Nam với những niềm tin khác nhau, nhân sinh quan khác nhau, lý tưởng khác nhau mà lại chung một triết lý “vừa hồng vừa chuyên” được!!! Để giáo dục làm người thì không thể chỉ học giáo dục công dân theo chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, mà phải học về những chuẩn mực đạo đức có tính nhân loại phổ biến như: công bằng, tự do, bình đẵng, từ bi, bác ái, hiếu thảo, lương tâm, trách nhiệm, nhân, nghĩa, lễ trí, tín, khiêm nhường, nhẫn nhục… Phải khẳng định mục đích của giáo dục là giáo dục làm người, phải có triết lý giáo dục: nhân văn, dân tộc, tư duy độc lập và tự do sáng tạo, để từ đó không biến con người thành những kẻ nô lệ tri thức, nô lệ tư tưởng, dễ bề điều khiển, nhưng, giáo dục để con người biết mình có tự do để làm chủ tri thức, chủ động tìm kiếm, sáng tạo, xây dựng những giá trị nhân văn, có trách nhiệm với tổ quốc và với xã hội. Khi chưa có một nền giáo dục thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập và tinh thần tự do sáng tạo thì nền giáo dục, nền khoa học chỉ là công cụ hay là những nô tỳ tập thể cho chế độ mà thôi.
 
Thứ ba, những người có niềm tin vào Chúa là sự thật và tin vào lời hứa của Chúa Giêsu, nên cầu nguyện để Chúa sai Thần khí sự thật đến sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (xem Ga: 16,13). Cùng với niềm tin và lời cầu nguyện, mỗi người Kitô giáo không nên “tát nước theo mưa”, nên có lời nói, hành động chân chính, chứng minh cho sự thật để sự giả dối ít có cơ hội lên ngôi như hiện nay. Như lời của Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp: “Một ngọn đèn không đủ xua tan hết bóng đêm rộng lớn nhưng hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu bóng đèn sẽ làm cho đêm đen bớt tối hơn hơn”.
-------------------------------------------------
[1] Xem:  lương tâm Wikipedia
[2] Xem Hiến chế mục vụ, số 16.
[3] Xem Giáo lý Công giáo số 1778.
[4] Xem: Nguyễn Đình Cống, Quan niệm của Hồ Chí Minh về phương châm giáo dục và vai trò người thầy giáo, Bài tham luận Hội thảo khoa hoc “Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua những bức thư Người gửi cho ngành giáo dục” do Trung ương Hội Cựu giáo chức chủ trì, tháng 9, 2013.
[5] Nguyễn Đình Cống, Quan niệm của Hồ Chí Minh về phương châm giáo dục và vai trò người thầy giáo, Bài tham luận Hội thảo khoa hoc “Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua những bức thư Người gửi cho ngành giáo dục” do Trung ương Hội Cựu giáo chức chủ trì, tháng 9, 2013. 

Tác giả: Pierre Nguyễn

Nguồn tin: conglyvahoabinh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập749
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm747
  • Hôm nay127,133
  • Tháng hiện tại1,039,397
  • Tổng lượt truy cập57,141,034
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây