Di sản của Cha cố FX. Lê Văn Cao

Thứ ba - 21/08/2018 09:40

-

-
Cây đại thụ khi ngã xuống mới thấy hết tầm cỡ của nó. Tôi đếm được chừng 50 kệ hoa có tên những giáo xứ, giáo họ xa lắc xa lơ mà cha đã tận tụy phục vụ. Nơi cha đến người ta nhìn thấy một con người năng động, vui tươi, dễ gần gũi thân thiện. Từng được gọi là “con người của giới trẻ”,...
Di sản của Cha cố FX. Lê Văn Cao
 
Cha cố FX. Lê Văn Cao, linh mục thuộc Tổng Giáo phận Huế, tạ thế ngày 30.4.2018, an táng tại nghĩa trang linh mục Thiên Thai, Huế, ngày 4.5.2018, 56 năm linh mục, hưởng thọ 88 tuổi).
 
Nhân 100 ngày mất của cha cố Phanxicô Xavie, xin đăng lại bài viết để anh em cụu chủng sinh Huế tưởng nhớ để cầu nguyện cho cha giáo đáng kính.

 
 
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác." ( Ga 12,24)

Trong Thánh lễ cầu hồn cho cha cố FX. Cao mới qua đời vào chiều ngày 4.5.2018 tại Trung tâm Mục Vụ TGP Huế, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiệu, một học trò của cha thời tiểu chủng viện Hoan Thiện, trong phần chia sẻ Tin Mừng đã nhắc lại câu cha cố thường nói để động viên các chú khi làm những công tác của chủng viện “Làm đi, đừng sợ”. Câu châm ngôn biểu lộ tính cách năng động, nhiệt thành, hăng hái, nơi con người cha cố Phanxicô Xavie. Người xưa có nói “Gieo tính cách gặt số phận”, quy luật nầy đã thể hiện rõ nơi cuộc đời của cha, đặc biệt qua chiều dài thời gian 27 năm (1975-2002) hoạt động mục vụ tại vùng Quảng Trị, Quảng Bình, một giai đoạn đầy gian truân vất vả, nhưng là quãng đời đẹp nhất của người tông đồ. Không dừng lại với công việc mục vụ của một cha sở, nhưng với quyết tâm noi gương thánh bổn mạng Phanxicô Xavie, nhà truyền giáo vĩ đại của mọi thời, ngài đã vươn xa hơn, chấp nhận mọi khó khăn thách thức, vượt qua những ngăn cách địa lý và những cấm cách của địa phương. Thật vậy, “Tránh gian khổ con đừng mong làm thánh.” (Đường Hy Vọng 702) mà “Thành công lớn nhất đời người là nên thánh.“ (Th. Gioan Phaolô II ).
 
Tháng 5.1975, cha tự nguyện xin Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền ra Quảng Trị, làm quản xứ Đại Lộc, Bố Liêu, Nhu Lý, Bích La, Bích Khê; rồi lần hồi phát hiện ra còn nhiều giáo dân ở những vùng xa xôi hẻo lánh, cha xin bề trên kiêm luôn Cồn Tiên, Cam Lộ, Khe Sanh, Đông Hà, Gio Linh, Cửa Việt. Một vùng rộng lớn bao la, ban đầu chỉ với phương tiện đi lại là con ngựa sắt, lọc cọc đạp đến khắp nơi mọi chốn. Hàng tháng vào Huế, có khi chở trước một đứa trẻ sau một đứa, giữa đường ban trưa ghé lại cha già Kính xin bữa cơm, chiều đạp xe về lại xứ. Một quãng đường dài 140 cây số đi về. Chịu khó hy sinh, không ngại khó khăn gian khổ, tuy đã vào tuổi 50. Vào thời mà cả nước cơm độn ngô khoai bo bo củ mì, cha cũng ra đồng một nắng hai sương cày cuốc, hai giờ sáng ra đạp nước vào ruộng. Lao động như một nông dân thứ thiệt.
 
Không có điểm dừng trong hành trình truyền giáo của người mục tử nhiệt thành vì “Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy tôi.“ (2 Cor 5,14). Đầu thập niên 80, “bước đi trong Thần Khí” (Ga 5,16), cha mạnh dạn vượt qua bờ bắc sông Bến Hải, đến các xứ Ba Thôn, Trung Quán và những họ đạo xưa của Tổng Giáo phận Huế. Nhiều năm trôi qua không dấu chân linh mục, những người già yếu bệnh tật chờ mong, cầu nguyện và Chúa đã nhận lời. Cha đã đến, âm thầm kín đáo, ban bí tích, đem về với Hội Thánh Chúa trên 600 người. Chiếc xe đạp dàng là bạn đường, đồ áo lễ trong một túi cột ở bocbaga sau bên túi đồ nghề thợ nề bay, cưa... cố tình bày ra cho thiên hạ thấy, chân mang đôi dép lê, áo quân xanh bộ đội bạc màu, trên đầu chiếc mũ cối  thời trang. Chỉ là những động tác giả như cầu thủ trên sân cỏ để lừa banh qua đối phương. Cuối thế kỷ 20 mà làm như các “thầy cả ” thời các vua triều Nguyễn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức bắt đạo phải sống lén lút giả dạng thường dân.
 
Nhưng rồi một ngày nọ bể mánh phải vô đồn công an nằm muỗi ba ngày, bị làm việc liên tục mới lòi ra là ông linh mục chính hiệu hành nghề không giấy phép. Số là đồ áo lễ cột khá kỹ, nhưng đường lắm ổ gà ổ vịt, xóc mãi rồi rớt ra, có quân ngoại đạo lượm được mặc vô thấy lạ như phường hát bội cải lương bèn đem trình công an. Họ theo dõi túm được đem nhốt tên thợ nề vô đồn. Con cái bên ngoài rơi nước mắt, còn cha thì bảo “có chi mô, đừng lo cha sắp ra rồi”. Bị bắt làm cam kết không tái phạm. Ra khỏi đồn công an, vui thì vui mà lòng động lòng lo, lo làm thế nào để có thể trở lại thăm bổn đạo, lo mùa gặt còn dang dỡ. Thật vậy, người môn đệ Chúa Kitô sẳn sàng “hao mòn từng giây phút và sẳn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa.“ (tập 5 chiếc bánh và 2 con cá của ĐHY FX. Thuận, tr.50).
 
Bị theo dõi kỹ quá biết làm sao, trong cái khó ló cái khôn. Nói theo dịch lý, “cùng tắc biến, biến tắc thông”, cha con cùng lập kế, đậu một chiếc ghe hành nghề bên sông, ông thợ nề giờ giăng lưới suốt mấy ngày đêm để bổn đạo đến gặp. Ngày càng nhiều con chiên lạc đã tìm thấy chủ chăn, nhưng rồi hư chiêu cũng bị bắt bài. May mà Chúa quan phòng sắp đặt mọi sự. Khi cha không thể tiếp tục Bắc tiến tiến vượt sông Bến Hải thì bổn đạo bắt đầu Nam tiến. Ngày Chúa nhật và những ngày lễ lớn, họ đến nhà thờ Đại Lộc, từng nhóm vài chục người tham dự Thánh lễ và học giáo lý, đi ghe đi xe mấy ngày mới tới. Cảm phục! Cảm phục cha và cảm phục bổn đạo! Lòng đạo sâu sắc. Tạ ơn Chúa vô biên.
 
Còn đám thiếu niên thì sao? Cách nào để dạy giáo lý cho chúng? Vào mùa hè cha tập họp từng đợt chừng vài chục đứa cho vào nội trú một tháng tại nhà xứ Đại Lộc. Học vỡ lòng, thêm sức, sinh hoạt thiếu nhi. Gạo cơm, mắm muối đâu mà nuôi? Cha đóng một bồ lúa, đầu mùa gặt thu vào đầy lẫm. Trước đó, cha vào Sàigòn gõ cửa những nhà tài trợ và xin Đức Cha địa phận hỗ trợ thêm. Ngoài lo cơm ăn, học đạo, cha còn trang bị thêm cái TV để giải trí. Chúng hoan hô cha hơn cả hoan hô H. Chủ tịch.
 
Trong những ngày tang lễ cha, tôi gặp một khoảng một chục người từ bờ bắc sông Bến Hải đến phục tang. Những kỷ niệm yêu thương bên cha  tuôn trào lai láng, hiện diện một nữ tu trẻ dòng Thánh Phaolô, sơ Vinh, xuất thân từ khóa học hè giáo lý thời đó, và được biệt thêm hiện giờ tất cả có hai nữ tu và một thầy dòng Thiên An. Do hoàn cảnh địa lý xa xôi cách trở và nhân sự thiếu hụt của giáo phận Huế thời đó, những họ đạo trên được nhập vào giáo phận Vinh. Ước mong đây chỉ là giải pháp tình thế và mơ một ngày nào đó vào lúc thuận tiện, con cái sớm đoàn viên với  giáo phận mẹ.
 
Cây đại thụ khi ngã xuống mới thấy hết tầm cỡ của nó. Tôi đếm được chừng 50 kệ hoa có tên những giáo xứ, giáo họ xa lắc xa lơ mà cha đã tận tụy phục vụ. Nơi cha đến người ta nhìn thấy một con người năng động, vui tươi, dễ gần gũi thân thiện. Từng được gọi là “con người của giới trẻ”,  một thời cha là tuyên úy Hùng Tâm Dũng Chí địa phận. Ở gần mới nhìn thấy cha là con người say mê cầu nguyện, cha cầu nguyện lâu giờ hằng ngày trước Thánh Thể, chính lời cầu nguyện giúp cha kiên trì trong những gian nan thử thách, vì “Một người ‘thánh’ mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sụp đổ không mấy hồi.” (Đường Hy Vọng 131). Trong lúc già cả bệnh tật cha vẫn ham đọc sách. Năm ngoái, đến thăm cha tại Nhà Hưu dưỡng, tôi thấy trên bàn cuốn sách dày cộm “Tân lịch sử Giáo hội“ ngài đang đọc, và được cùng ngài luận đàm về Giáo hội sự, thiên hạ sự.
 
Vô cùng thương nhớ cha và hân hoan tiễn đưa cha vào Nước vinh hiển Chúa vì đã đến “Giờ” (kairos) Chúa gọi người tôi tớ trung thành và cần mẫn vào hưởng bình an và niềm vui bất tận trong lòng Ba Ngôi Chí Thánh, “Giờ” mà cha đã chuẩn bị bằng cuộc sống nhiệt thành và tận tụy. Tôi tâm đắc lời cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến khi kết bài giảng lễ an táng: “Cha Cố Phanxicô Xavie thương mến, xin tạ Ơn Chúa và xin cám ơn cha về tinh thần nhiệt thành truyền giáo và gian khổ vượt khó vào thời điểm 1975 đặc biệt tại vùng Quảng Trị, Quảng Bình, để nhờ những dấu chân cha can đảm đi trước mà giờ đây, một số anh em linh mục trẻ trung và năng động đang hăng hái tiếp bước. Trên trời cao, xin tiếp tục làm bùng cháy và khơi lên nơi anh em linh mục chúng con nhiệt tình phục vụ quên mình như cha vậy”. Phải chăng đó là một di sản của cha cố Phanxicô Xavie? Và di sản nầy chắc chắn không chỉ dành riêng cho các linh mục mà cho tất cả môn đệ Chúa Kitô.
 
Gioan Lê Cần

Tác giả: Gioan Lê Cần PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập729
  • Hôm nay116,254
  • Tháng hiện tại1,028,518
  • Tổng lượt truy cập57,130,155
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây