Các khía cạnh của triều giáo hoàng

Thứ hai - 27/02/2017 19:24

-

-
Thành công trong việc chuyển giao nhẹ nhàng sau “giáo hoàng của thế kỷ” như Giáo hoàng Gioan-Phaolô II được nhanh chóng xem như cả một kỳ công. Khi thấy sự nồng nhiệt lan ra trên toàn thế giới, các nhà bình luận đã không ngần ngại nói ngay, đây là “cơn sốt Bênêđictô”.
Các khía cạnh của triều giáo hoàng

 
Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.
 
Thành công trong việc chuyển giao nhẹ nhàng sau “giáo hoàng của thế kỷ” như Giáo hoàng Gioan-Phaolô II được nhanh chóng xem như cả một kỳ công. Khi thấy sự nồng nhiệt lan ra trên toàn thế giới, các nhà bình luận đã không ngần ngại nói ngay, đây là “cơn sốt Bênêđictô”. Các thông điệp của Đức Bênêđictô XVI có số in khổng lồ. Các bài diễn văn của ngài giựt tít lớn trên báo chí quốc tế.
 
Ngày 24 tháng 4-2005, trong thánh lễ đăng quang ở quảng trường Thánh Phêrô đánh dấu tân giáo triều, Đức Bênêđictô XVI tuyên bố “chương trình điều hành đích thực của ngài là không làm theo ý mình, không đi theo ý tưởng của mình, nhưng cùng với Giáo hội, lắng nghe Lời Chúa và ý Chúa, để cho Chúa hướng dẫn mình”. Sau đó ngài nói thêm, nguyên văn: “Chúng ta không phải là sản phẩm ngẫu nhiên và phi lý của sự tiến hóa. Mỗi người trong chúng ta là hoa quả của một tư tưởng của Chúa. Mỗi người đều được mong muốn, được yêu thương và đều thiết yếu”.
 
*
 
Trọng kính Đức Thánh Cha, khi nào và ở đâu cha đã soạn bài giảng thánh lễ đăng quang của cha? Con hình dung trong căn phòng cũ của cha?
 
Cha không còn nhớ rõ. Cha nghĩ là ở Nhà Thánh Mácta.
 
Cha không suy nghĩ trước….
 
Không nên, phải tin vào cảm hứng của mình lúc đó.
 
Bài diễn văn đầu tiên hoặc bài giảng đầu tiên của một tân giáo hoàng được công chúng xem như bài trình bày chương trình của mình. Cha có nghĩ như vậy không?
 
Cha cũng nghĩ như vậy, và với sự giúp đỡ của Chúa, cha soạn bài giảng này.
 
Trong hơn hai mươi năm cha là cộng sự gần nhất của một giáo hoàng, và trong một nửa đời của cha, cha cống hiến về mặt thần học cho quyền tối cao của Thánh Phêrô. Cha có quyết định những gì cha dứt khoát không làm khi là giáo hoàng không?
 
Trước hết cha quyết tâm đặt một chỗ trọng tâm cho chủ đề Thiên Chúa và đức tin. Theo cha, cốt lõi là để Sách Thánh có một chỗ hàng đầu. Sau tất cả mới đến thần học, cha biết sức mạnh của cha, nếu cha có sức mạnh, đó là tích cực loan báo đức tin. Như thế, trước tất cả mọi sự là giảng dạy sự phong phú của Sách Thánh và của truyền thống.
 
Con xin quay lại: điều đáng kể, không phải chỉ là những chuyện chúng ta làm; nhưng có khi chính những chuyện mình không làm lại còn quan trọng hơn.
 
Con muốn nói gì? Cha biết, đây không phải là một triều giáo hoàng lâu dài. Cha không thể thực hiện các chương trình lâu dài, những công việc to lớn, chẳng hạn như triệu tập một Công đồng mới; ngược lại, cha muốn và cha có thể củng cố thêm nhiều yếu tố cho thượng hội đồng.
 
Là giáo sư, lại thừa kế ngai Thánh Phêrô có là vấn đề cho cha không? Khi Chúa Giêsu chọn mười hai tông đồ, Chúa không chọn một nhà trí thức nào.
 
Đúng vậy, nhưng lúc nào cũng có các giáo hoàng uyên bác. Đầu tiên hết là Giáo hoàng Lêô Cả, Giáo hoàng Gregoria Cả, hai bộ óc lỗi lạc, rồi Giáo hoàng Innocentê III và còn nhiều giáo hoàng khác. Như thế không có gì là bất bình thường. Đương nhiên một giáo hoàng không bắt buộc phải uyên bác trong lãnh vực thần học, tuyệt đối không. Nhưng họ phải có một đào tạo thiêng liêng. Họ phải biết các trào lưu hiện hành, các vấn đề, các sứ mệnh.
 
Cho đến nay không có người nào lý tưởng để giữ chức vụ giám mục hay giáo hoàng, thì một giáo sư không nhất thiết không làm được giáo hoàng. Dĩ nhiên người ta có thể đổ lỗi cho giáo sư là họ xem sự hiện hữu trên một quan điểm quá lý thuyết – sau này người ta mới nhận ra; và thực sự đó là một nguy cơ. Nhưng dần dần, mỗi người đều phải học để mở rộng một chút các phối cảnh của mình.
 
Theo như Hồng y Kurt Koch thì Giáo hoàng Bênêđictô buộc phải thừa nhận và đối diện với nhiều vấn đề trước mặt mình một cách thụ động. Cha có thấy các sự việc dưới góc cạnh này không?
 
Chắc chắn, và nó đã xảy ra không tránh khỏi. Luôn có các vấn đề trong Giáo hội, nhất là ở thời buổi chúng ta, sau các xáo trộn lớn của hậu-Công đồng, tất cả các xáo trộn này do chúng ta đã không thật sự biết diễn giải Công đồng. Chung chung, tình trạng xã hội áp đặt kitô giáo phải tìm một định hướng mới, một định nghĩa mới, các thực hiện mới. Như vậy, các vấn đề luôn ở đó, và chúng ở đó mãi.
 
Đức Hồng y Koch đặc biệt nghĩ đến những vấn đề chưa được giải quyết dưới triều Đức Gioan-Phaolô II, những vấn đề vẫn còn dở dang.
 
Đương nhiên vẫn còn một vài vấn đề. Tuy nhiên cha có thể nói, vấn đề nào ngài có thể giải quyết thì ngài đã giải quyết. Và các vấn đề mới liên tục phát sinh. Ngoài ra còn có những vấn đề chúng ta không bao giờ giải quyết hoàn toàn cho xong được.
 
Như cha đã nói, từ đầu cha đã có ý tưởng cha không ở tại chức nhiều năm, chỉ vì lý do tuổi tác. Ý thức này đã ảnh hưởng trên triều giáo hoàng của cha. Cha có nghĩ mình sai khi đặt ra các tiền đề như vậy không? Như Đức Phanxicô đã làm, cha cũng có thể loan báo cải cách và ít nhất triệu tập các Ủy ban thích ứng.
 
Mỗi người có một đặc sủng khác nhau. Phanxicô là một người cải cách thực tiển. Ngài đã làm Tổng Giám mục lâu năm, ngài rành công việc, trước đây ngài lại là bề trên Dòng Tên, ngài có can đảm đưa ra các công việc trong lãnh vực tổ chức. Cha biết đó không phải là điểm mạnh của cha. Và hồi đó không phải là thiết yếu. Thực vậy, Đức Gioan-Phaolô II đã tiến hành cải cách Giáo triều với Tông hiến Mục tử Nhân lành (Pastor Bonus). Theo cha, sẽ không hợp lý khi làm cho mọi chuyện đảo lộn. Đúng là cha không thể làm các dự án lớn dài hạn về mặt tổ chức. Nhưng cha cũng được cho biết là thời gian chưa thích hợp để làm.
 
Cựu Sứ thần Tòa Thánh Karl Josef Rauber, người biết cha từ thời Công đồng đã nói về cha: “Joseph Ratzinger là một nhà trí thức tuyệt đối liêm khiết, nhưng trên thực tế, ngài chỉ quan tâm đến nghiên cứu và viết lách”.
 
(Cha cười.) Không, thật sự không phải vậy. Và cũng không thể được. Chúng ta buộc phải làm nhiều công việc thực tế khác nhau, mặt khác nó cũng mang lại cho mình niềm vui. Thăm giáo xứ, thảo luận với giáo dân, giảng giáo lý, có các cuộc gặp gỡ đủ loại. Nhất là đi thăm các giáo xứ mang lại cho cha nhiều niềm vui rất lớn. Dù sao cha cũng chưa bao giờ chỉ làm một công việc duy nhất là giáo sư. Một linh mục không chỉ làm việc như một giáo sư. Nếu ông chỉ làm như thế, thì đó là một thất bại. Sứ mệnh chức thánh luôn bao gồm một ít công việc mục vụ, đó là nằm trong phụng vụ, trong các trao đổi. Có thể cha quá suy nghĩ, quá viết lách, có thể thế lắm. Tuy nhiên cũng không đúng nếu cho rằng cha chỉ làm những công việc này.
 
Cha có lý. Quả vậy cha bắt đầu bằng một cú ngoạn mục: cha là giáo hoàng đầu tiên trong thời hiện đại đã thay thế vương miện uy nghi trên huy hiệu bằng một mũ đơn giản. Quyết định này có tạo kháng cự trong Hồng y đoàn không?
 
Cha không nghe nói. Dù sao không một ai chống đối trực tiếp. Đó cũng là chuyện ngày xưa. Đúng vậy, khi không còn mang vương miện thì thay thế nó trên huy hiệu cũng là chuyện bình thường.
 
Tân triều giáo hoàng cũng bắt đầu bằng các khía cạnh khác. Lần đầu tiên, thượng hội đồng ở trong khuôn khổ của một cuộc đối thoại, các đại diện các tôn giáo khác cũng được mời. Cha có những buổi họp thường xuyên với các trưởng ban bộ, giảm các buổi tiếp kiến, các chuyến tông du, các buổi lễ phụng vụ và các vụ phong thánh. Cha cũng bỏ thói quen của vị tiền nhiệm, là tiếp khách sau thánh lễ buổi sáng và hay ăn trưa với khách mời.
 
Dĩ nhiên là người ta có thể trách cha, nhưng cha phải thú nhận là cha không thể làm khác đi. Buổi sáng, cha phải thinh lặng và lắng lòng để dâng thánh lễ. Cha cũng không thể bắt đầu ngay một ngày làm việc bằng cách gặp người khác. Cha cần dâng thánh lễ với một nhóm nhỏ, rồi sau đó cha mới cầu nguyện. Nhưng không vì thế mà cha không đến giáo dân tham dự thánh lễ. Nhưng mỗi ngày là các khuôn mặt mới, các cuộc gặp mới, thêm nữa với nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cha không thể làm được. Cũng như sau các cuộc gặp gỡ trong ngày, cha cần ăn trong yên tỉnh. Cha cũng không thể bắt lại cuộc nói chuyện, đó là tất cả.
 
Một thay đổi khác là việc bổ nhiệm Đức Ông Guido Marini vào chức Trưởng ban Phụng vụ thay thế Đức Ông Piero Marini. Người ta thấy đây là cha muốn mang lại một hình thức khác cho các nghi thức phụng vụ giáo hoàng.
 
Không, Đức Ông Piero Marini đã và luôn là một người lỗi lạc. Về mặt phụng vụ Đức Ông còn tiến bộ hơn cha, nhưng chuyện này không có một tầm quan trọng nào. Chính Đức Ông cho rằng đã đến lúc mình phải rời bỏ chức vụ này. Và thế là có một Marini thứ nhì thế Marini thứ nhất.
 
Cha cũng áp dụng một chỉ đạo khác với vị tiền nhiệm, cha mặc lại áo choàng ngắn đỏ thay vì áo chùng trắng đơn giản. Cha cho rước lễ bằng miệng, theo một vài chỉ trích, họ cho rằng đây là hình thức “quay về với các nghi thức phụng vụ của thời quá khứ”. Có phải như vậy không?
 
Không. Cha hoan nghênh các cải cách Công đồng trong các lãnh vực mà Công đồng được chân thành và đúng đắn thông qua, không bị bóp méo. Tuy nhiên, chúng ta cũng tham gia vào những chuyện quá độ và phá hủy, điều cần thiết là phải chấm dứt. Các nghi thức phụng vụ của Tòa Thánh là thích ứng và chúng tôi muốn tiếp tục như thế. Còn về việc cho rước lễ  bằng miệng, cha luôn làm theo hai cách, bằng tay và bằng miệng. Nhưng với giáo dân tụ tập ở quảng trường Thánh Phêrô thì cha sợ họ có thể hiểu sai, chẳng hạn bỏ bánh thánh trong túi nên cha thấy cho rước lễ bằng miệng là đúng. Từ đó, nghĩ rằng qua việc này là muốn khôi phục lại quá khứ ư? Cha phải nói các loại cũ và mới này không có chỗ đứng của nó trong phụng vụ. Các Giáo hội Đông phương về “Phụng vụ Thánh”, không phải do chúng ta nhưng được mang tặng cho chúng ta. Giáo sư thần học J. A. Jungmann, chuyên gia phụng vụ của Công đồng II đặt ra thuật ngữ “phụng vụ xảy đến” để mô tả phụng vụ phương Tây. Như thế giáo sư đã đề cập đến ý thức lịch sử khá mạnh mẽ của Phương Tây, một phụng vụ tăng trưởng, trưởng thành, suy yếu và làm mới lại, nhưng cũng mang trong mình sự liên tục của những gì đến từ Chúa và từ tông truyền. Từ quan điểm này mà cha cử hành phụng vụ.
 
Hồng y Angelo Sodano không giữ chức vụ Hồng y Quốc Vụ Khanh nữa?
 
Hồng y cùng tuổi với cha. Nếu khi bầu chọn, giáo hoàng đã lớn tuổi thì ít nhất Hồng y Quốc Vụ Khanh phải khỏe mạnh. Ngài cho rằng quy chế của các giám mục cũng phải áp dụng cho Quốc Vụ Khanh. Nếu các giám mục phải từ bỏ chức vụ mình ở tuổi bảy mươi lăm hay bảy mươi bảy thì Hồng y Quốc Vụ Khanh phải từ bỏ chức vụ của mình trước tuổi tám mươi là trễ nhất.
 
Lần xuất hiện quốc tế đầu tiên của cha là Ngày Thế giới Trẻ ở Cologne trước hàng triệu người tham dự. Giáo dân thấy tân giáo hoàng tươi cười, ca hát, tay trong tay với các người trẻ trên các châu lục. Cha có ngạc nhiên với phong cách, với sự vui tươi mới này của cha không?
 
Ở một vài khía cạnh, có. Nhưng cha phải nói, hồi cha còn làm cha phó xứ, cha đã rất vui khi làm việc với các người trẻ. Còn khi cha làm giáo sư, cha không chỉ lo giảng dạy, cha còn cụ thể lo cho người trẻ. Cùng sinh hoạt với người trẻ không phải là chuyện xa lạ đối với cha. Ngày Thế giới Trẻ đúng là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong toàn thể giáo triều của cha. Cologne, Sydney, Madrid, ba sự kiện quan trọng trong đời sống của cha mà cha sẽ không bao giờ quên. Cha thật sự hạnh phúc được ở đó, được đón nhận và có thể giúp đỡ người khác.
 
Tất cả các chỉ trích đều im lặng. Trong bốn năm đầu triều giáo hoàng của cha, cha đã là đề tài cho các dấu chỉ nhiệt tình. Bài diễn văn “danh tiếng Ratisbonne” với sự phấn khích do nó gây ra biểu hiện cho lần đầu cắt đứt này. Trong bài phát biểu của cha ở trường Đại học Ratisbonne, cha trích dẫn một nhận xét về vai trò của bạo lực trong hồi giáo, mà hoàng đế nhà cổ học Byzantin Manuel II đã nêu lên trong cuộc phỏng vấn với một học giả Ba Tư. Trích ra khỏi ngữ cảnh, câu trích dẫn này đã tạo ra các phản đối kịch liệt của người hồi giáo trên toàn thế giới. Chúng ta đã nói nhiều trong Ánh sáng của thế giới. Một câu hỏi cuối cùng về vấn đề này: cha có tình cờ tìm ra câu trích dẫn này không?
 
Cha đã đọc đối thoại này của Nhà cổ học bởi vì cha quan tâm đến đối thoại giữa hồi giáo và kitô giáo. Như vậy không phải là tình cờ. Đây là một cuộc đối thoại đích thực. Hoàng đế được trích ở đây đã ở dưới ách thống trị của người hồi giáo, vậy mà ông phát biểu tự do, một phát biểu mà ngày nay chúng ta không tìm ra một câu tương tự. Vì thế đối với cha, cũng nên thảo luận về câu trích dẫn của một đối thoại đã có từ hơn năm thế kỷ nay. Như cha đã nói, cha đã không thật sự lượng định đúng tầm mức chính trị của sự cố này.
 
Con mong được làm sáng tỏ một điểm cuối: nhà Vatican học Marco Politi đã viết, Hồng y Quốc Vụ Khanh Sodano đã lưu ý cha đến tính cách dễ nổ của bài diễn văn này trước khi cha đi Bavaria. Cha không để ý các dè chừng này của ngài. Có đúng như vậy không?
 
Không. Không ai nói gì với cha.
 
Như thế ông Politi đã kết luận sai, vụ “tai tiếng Ratisbonne” không dính gì đến tình cờ. Cha đã chọn cách đối diện, khác với đường lối đối thoại với người hồi giáo của Đức Wojtyia. Ông trích dẫn xem như bằng chứng, ngay từ thánh lễ đăng quang, cha đã cố tình tránh không nhắc đến người hồi giáo.
 
Không đúng.  Cha không hiểu ông nói gì.
 
Nói cách khác, sự thiếu sót này không còn phù với sự thật, rằng cha muốn thay đổi hoàn toàn đường lối chính trị của vị tiền nhiệm của cha?
 
Không. Hoàn toàn không.
 
Rằng qua Tự sắc Nghi lễ Phụng vụ (Summorum Pontificum) cha đã cho phép sử dụng rộng rãi thánh lễ bằng tiếng la-tinh, một cuộc tranh luận đã xảy ra về lời cầu nguyện cho sự trở lại của người Do thái được đọc vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tháng 2 năm 2008, cha đã thay thế bản văn này bằng một thể thức khác. Cuộc tranh cãi này đáng lý có thể tránh được?
 
Đó là một tác hại mà các thần học gia Đức, những người không phải là bạn của cha đã dựng lên. Và đây là điều họ muốn lật lại: chúng ta đã biết lời cầu nguyện mới của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (*). Trong lúc đó, dưới triều Đức Gioan-Phaolô II, chúng tôi đã chấp nhận trong Giáo hội có một vài nhóm cử hành phụng tự theo ngày xưa, chẳng hạn Huynh đoàn Thánh Phêrô. Như vậy có rất nhiều cộng đoàn tu sĩ, cộng đoàn tín hữu cử hành lễ theo phụng tự cũ – với cử hành phụng vụ của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, là một điều tuyệt đối không chấp nhận được trong tình trạng đó. Cha ngạc nhiên chúng ta không làm gì để sửa đổi.
 
Cha nghĩ rằng mình không thể để mọi thứ nguyên trạng, những người còn giữ nghi thức phụng vụ cũ phải thay đổi trên điểm này. Phải có lời cầu nguyện vừa phù với đường lối thiêng liêng theo phụng tự cũ, vừa phải thích ứng với các hiểu biết của chúng ta hiện nay về do thái giáo và kitô giáo. Như trong các lời cầu nguyện khác của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, lời cầu nguyện mới này phải gồm một lời đầu kinh (orémus) và một lời cầu nguyện đích thực. Lời đầu kinh lặp lại từng chữ lời cầu bàu của sách Phụng vụ giờ kinh. Lời cầu nguyện là từ Sách Thánh. Nội dung của nó tuyệt đối không có gì để biện minh cho những chỉ trách cứ liên tục ở Đức về vấn đề này.
 
Ngay cả bây giờ, cha vẫn còn cảm thấy vui đã thay đổi yếu tố này trong phụng tự cũ. Nếu họ vẫn tiếp tục đòi hỏi thì chúng ta sẽ rút lại lời cầu nguyện mới, như thế cầu nguyện theo lời cầu nguyện cũ, một lời cầu nguyện không chấp nhận được với câu “người do thái phản trắc” (perfidi Iudaei). Nhưng một vài người ở Đức vẫn còn tìm cách hạ cha. Biết rằng đơn giản nhất là qua ngả Israel, họ dựng lên lời nói dối này bằng cách nói rằng cha đã nói Thiên Chúa biết vì sao. Cha phải thú nhận chuyện này thật quái quỷ. Cho đến lúc đó, mọi người vẫn còn đọc kinh cũ và cha thay vào một kinh tốt hơn. Nhưng họ không muốn chúng ta hiểu chuyện này.
 
Chúng ta cũng đã thảo luận nhiều về vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trong Ánh sáng của thế giới. Thêm một lần nữa, gần đây cha đã gởi một bức thư ngỏ cho những người tố cáo cha đã che giấu một vài yếu tố trong các vụ lạm dụng tình dục. Vì sao cha phải lên tiếng lại trong vụ này?
 
Vì đó là sự thật và vì sẽ rất khủng khiếp nếu những chuyện vu khống này thành thật. Khi cha còn là bộ trưởng bộ Giáo lý đức tin, mỗi lần cha được thông tin về các vụ này, cha phản ứng ngay lập tức. Ban đầu bộ giáo sĩ muốn đảm trách các vụ này. Nhưng khi cha phát hiện Bộ đã không áp dụng một đường lối nghiêm nhặt, một đường lối rất cần thiết thì cha phải nhờ đến bộ Giáo lý đức tin. Cha ý thức đó là một nhiệm vụ khó khăn, chúng tôi sẽ bị chỉ trích nhưng chúng tôi có những người có khả năng nhất để đối phó. Khi bộ Giáo lý đức tin phụ trách, điều đó chứng tỏ Giáo hội dành ưu tiên lớn nhất cho vụ này.
 
Trong lời cầu nguyện ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005 mà chúng ta đã nhắc đến, cha có nói đến các chuyện ô uế trong Giáo hội. Chữ này có áp dụng trong các vụ lạm dụng tình dục không?
 
Nó bao gồm trong đó. Nhưng cha có nhiều chủ đề lúc đó trong đầu. Là Hồng y bộ Giáo lý đức tin, cha biết rất nhiều chuyện, bởi vì tất cả các vụ tai tiếng đều được báo cáo về bộ, phải có một tâm hồn sắt thép mới chịu đựng được tất cả những chuyện này. Chúng ta biết, không phải tất cả mọi chuyện trong Giáo hội đều sạch, nhưng khi là người chịu trách nhiệm của Bộ, bị bắt buộc phải thấm hết những chuyện này, thì thật là đáng kể. Vì thế, với lời cầu nguyện này, cha chỉ muốn xin Chúa giúp đỡ chúng ta.
 
Rất nhiều người cho rằng Đức Gioan-Phaolô II đã không giải quyết vấn đề này với đầy đủ sức lực.
 
Tất cả mọi thứ luôn tùy thuộc vào thông tin mình có được. Khi ngài có đủ thông tin và khi ngài ghi nhận những gì đã xảy ra, ngài xác quyết phải thẳng tay giải quyết vấn đề. Vấn đề là giáo luật không cho phép trừng phạt nặng. Cha đề nghị phải sửa đổi các hình phạt và ngài đã giao cho cha toàn quyền. Chúng tôi đã thiết lập các tiêu chuẩn và cơ cấu pháp lý mới. Đó là phương tiện duy nhất để xử lý vụ này.
 
Đức Gioan-Phaolô II đã kêu gọi một phương thức phúc âm hóa mới, nhưng việc này dưới triều giáo hoàng của cha mới thực sự bắt đầu, đặc biệt nhờ việc thành lập Hội đồng giáo hoàng cổ vũ tân phúc âm hóa. Tuy nhiên phải mất cả hàng thế kỷ để tái kitô hóa lục địa Âu châu, và phải chấp nhận rằng điều này là điều khả dĩ. Chúng ta có ru mình trong ảo tưởng này không?
 
Đơn giản là không được từ bỏ việc rao giảng Tin Mừng. Trong thế giới Hy Lạp-La Mã, họ cho là hoàn toàn phi lý khi có một nhóm nhỏ người Do Thái đã rời bỏ nhà, ra đi trong cố gắng làm cho kitô giáo phát triển trong thế giới rộng lớn của Hy Lạp-La Mã có học thức và thông minh. Chúng ta luôn phải chịu những cú tạt nặng nề. Chúng ta không biết Âu châu sẽ phát triển như thế nào, cũng không biết trong mức độ nào Âu châu vẫn là Âu châu nếu các tầng lớp dân chúng khác tái cấu trúc nó lại. Nhưng ngoài bất cứ một hy vọng thành công nào, điều tuyệt đối cần thiết là phải loan báo Lời Chúa, Lời trong đó mang lại sức mạnh để xây dựng tương lai, và cho cuộc sống con người có một ý nghĩa. Các tông đồ không thể tiến hành các cuộc điều tra xã hội, để biết chuyện này làm được hay không, họ chỉ có thể cậy vào sức mạnh bên trong của Lời. Mới đầu họ chỉ là một nhóm rất nhỏ những người khiêm tốn họp lại với nhau. Nhóm nhỏ này sau đó trở nên các nhóm rất lớn.
 
Lời Tin Mừng rõ ràng có thể biến mất trong một vài lục địa. Chúng ta đã thấy, các lục địa kitô hữu ban đầu như ở Tiểu Á và Bắc Phi đã bỏ kitô giáo. Kitô giáo cũng biến mất trong những vùng trước đó nó đã quan trọng. Nhưng không bao giờ chúng ta ngưng loan truyền, không bao giờ kitô giáo trở nên không đáng kể.
 
Còn về việc cho phép lại được dâng thánh lễ theo nghi thức Piô V (tridentin): sáng kiến này đã hơi rụt rè. Có phải do các kháng cự bên trong Giáo hội?
 
Đương nhiên. Một phần, do có sự sợ những gì được cho là phục hồi, một phần chính xác là có một vài người hiểu sai hình thức cải cách này. Không được nghĩ rằng bây giờ là một thánh lễ khác. Đây là hai cách biểu hiệu nghi lễ nhưng lại ở trong một dòng nghi lễ nền tảng duy nhất. Cha luôn nói và tiếp tục nói, quan trọng là không được cấm ngang và cấm toàn bộ tầm mức thiêng liêng nhất của Giáo hội ngày xưa đối với con người. Một xã hội cấm những gì lâu ngày được xem là cốt lõi thì không thể được. Sự tương tự bên trong của nghi thức đó phải được thấy rõ. Vì vậy cha đã không trả lời các câu hỏi chiến thuật, cũng không trả lời kiểu Thiên Chúa biết những gì, cha luôn tìm giải hòa trong nội bộ của chính Giáo hội.
 
Cũng không hiếm khi người ta cho rằng, việc cho phép cử hành lại thánh lễ theo truyền thống xưa như một nhượng bộ với Huynh đoàn Piô X.
 
Hoàn toàn sai! Theo cha, chủ yếu là Giáo hội phải hợp nhất trong nội bộ, hợp nhất với quá khứ của mình. Những gì Giáo hội ngày xưa xem là thiêng liêng thì bây giờ không hẳn là sai. Nghi thức phải tiến hóa. Cải cách là để kịp thời. Đồng thời cũng không được để bản sắc của mình thành từng mảnh vụn. Nếu Huynh đoàn Piô X còn tồn tại, là vì có một số người có cảm tưởng rằng Giáo hội đã bị từ bỏ. Đây là điều không thể chấp nhận được. Như cha đã nói, ý định của cha không phải là chiến thuật tự nhiên: đó là vấn đề nền tảng. Rõ ràng nó khởi đi từ khi có sự chia cắt trong Giáo hội, giáo hoàng phải làm trong khả năng của mình để tránh. Nhất là tìm cách đưa những này trở lại trong lòng Giáo hội, nếu có thể được.
 
Khi cha là bộ trưởng, cha thường than phiền sự nghèo đi và không có một phụng tự đẹp. Vậy mà dưới mắt cha, phụng tự là cái trục và là hòn đá tảng của đức tin, tương lai Giáo hội tùy thuộc vào nó. Nếu đúng như vậy, thì vì sao trong quá khứ có quá ít chuyện xảy ra trong lãnh vực này? Khi đó cha có nhiều quyền để hành động?
 
Về mặt thể chế và pháp lý thì không làm được nhiều điều. Phải phát triển một tầm nhìn, có người khám phá từ bên trong, thế nào là phụng tự, nó thật sự có nghĩa như thế nào. Chính vì vậy mà cha đã viết nhiều quyển sách. Đáng tiếc là có một vài nhóm tự cho mình là chuyên gia vẫn lại giữ chặt quan điểm của họ: họ cho rằng các lý thuyết của họ có một giá trị tuyệt đối, họ đi bên cạnh điều thiết yếu. Đây không phải là việc cho phép, cha không biết các hoang tưởng riêng nào, phụng tự của Giáo hội phải được hoàn tựu và cử hành từ bên trong. Nhưng đó là một chuyện không tự điều khiển được.
 
Người ta nghĩ giáo hoàng có rất nhiều quyền và có thể làm với quyền uy.
 
Không.
 
Không thể được?
 
Không, không phải như vậy!
 
Về mặt đại kết, triều giáo hoàng của cha có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng rất nhiều chuyện vẫn không để lại tiếng vang. Cái gì đã làm cha thất vọng nhất trong lãnh vực đại kết?
 
Không thể nói là cha thất vọng, đơn giản vì cha biết thực tế và cha biết cụ thể mình có thể chờ gì và không chờ gì. Hoàn cảnh giữa người tin lành và chúng ta, hoặc giữa người chính thức và chúng ta rất khác nhau. Cũng vậy, bản chất của các trở ngại cho các việc xích lại gần nhau cũng khác nhau. Về giáo hội tin lành, cha cho rằng vấn đề đích thực của họ là sự mất đoàn kết nội bộ. Trên thực tế chúng ta sẽ không bao giờ thảo luận cho xong với một  phần, phần này chống với các phần khác trong nội bộ. Chính họ cũng ở trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng, như ai cũng biết. Dĩ nhiên chúng ta có thể bị thất vọng. Nhưng khi chúng ta biết thực tế, thì chúng ta không thể nào chờ một sự thống nhất Giáo hội theo đúng  nghĩa của nó. Phải chiến đấu để luôn có sự lắng nghe và trao đổi qua về với nhau. Để phần chủ yếu, đức tin trong Chúa Kitô, con Thiên Chúa không bị biến mất – và từ đó soạn thảo các hướng dẫn cơ bản để thực hành.
 
Dù sao mới đầu, cha nói đến các dấu hiệu thấy rõ và cụ thể của một sự thống nhất với rất nhiều hy vọng.
 
So với quá khứ, chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ. Mặt khác, Giáo hội tin lành ở Đức đã chìm trong cơn khủng hoảng nặng. Nó đi về đâu? Làm thế nào để hiện đại hóa? Trên những điểm nào phải giữ vững? Các lực chống đối mạnh nhất chống lại các vấn đề này. Một số người rất gần với chúng tôi, trong khi có một số khác lại xa hẳn.
 
Còn với những gì liên quan đến Giáo hội chính thống Nga, trong triều giáo hoàng của cha, đã có lúc chúng ta có cảm tưởng một cuộc gặp giữa giáo hoàng và thượng phụ Maxcơva là chuyện có thể được.
 
Đúng. Đúng như vậy. Cha đã thấy có một mối thiện cảm giữa hai bên nối kết với nhau, cũng như có sự chia sẻ hiểu biết điều chủ yếu của kitô giáo, trung thành với các nguyên tắc lớn, cả về mặt đạo đức, gia đình, hôn nhân vv. Chúng tôi chia sẻ nhiều ý tưởng cơ bản. Thêm nữa, ví dụ của nước Nga chứng tỏ cho thấy chuyện gì xảy ra khi chúng ta từ bỏ tất cả những chuyện này. Mặt khác, với sức nặng của lịch sử và của các thể chế như vậy, thì chúng ta phải rất cẩn thận trên những gì chúng ta có thể hy vọng một cách cụ thể.
 
Nhưng ở đây chúng ta phải nêu lên sự phát triển rất tích cực của các quan hệ giữa các Giáo hội Rôma và Constantinople, trên thực tế, các giáo hội này đã trở thành anh em với nhau. Thượng phụ Báctôlômêô I không những là một người có văn hóa phi thường, nhưng là một con người đích thực của Chúa. Cha hạnh phúc và biết ơn tình bạn chân thành đã nối kết thượng phụ và cha ở mức độ cá nhân. Thượng phụ cũng đã đến thăm cha ở tu viện.
 
Việc xuất bản tác phẩm lớn gồm ba tập về Chúa Giêsu Kitô đã là một trong các sự kiện đáng kể nhất triều giáo hoàng của cha, đặc biệt đối với các thế hệ linh mục và giáo dân, mà với họ tác phẩm này là tác phẩm chuẩn của họ về đức tin kitô giáo. Quả thật, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một giáo hoàng đã có một nghiên cứu thần học rõ ràng về Đấng sáng lập Giáo hội. Tác phẩm này được hàng triệu người đọc trên thế giới đã là bước ngoặc trong việc nghiên cứu và trong tương quan với Tin Mừng. Với cha, tính xác thực của nó là rõ ràng và cha diễn giải sứ điệp của nó theo một cách mới cho thời buổi hiện đại này.
 
Dự án viết sách này có từ trước khi cha là giáo hoàng. Cha có nghĩ là tốt khi một giáo hoàng viết sách không?
 
Cha biết là cha phải viết nó, đó là tất cả. Vì vậy cha không bao giờ nghi về việc cha có thể viết.
 
Tập đầu tiên xuất bản khi cha 80 tuổi năm 2007. Làm sao cha có thể tìm ra thì giờ để viết?
 
Cha cũng tự hỏi cha như vậy. Phải tin là Chúa đã giúp cha rất nhiều. Thêm nữa, cha thật sự muốn làm. Đúng vậy, cũng như phụng vụ có một chỗ trọng tâm trong chính trải nghiệm của Giáo hội, và không có gì có thể tiếp tục được nếu phụng vụ không còn, cũng như Giáo hội sẽ sụp đổ nếu chúng ta không còn nhận biết Chúa Giêsu. Theo chúng tôi, nguy cơ đáng kể để Giáo hội bị sụp là một vài kiểu chú giải bị cạn sức trong nội dung của nó. Vì thế cha phải đi sâu một chút trong đám rừng chi tiết. Một phân tích thiêng liêng về mặt giáo điều chưa đủ. Phải dự vào cuộc tranh cãi, không để bị lạc trong các chi tiết chú giải, nhưng phải đủ chiều sâu để ghi nhận rằng phương pháp lịch sử không ngăn cản chúng ta có đức tin.
 
Cha có chuẩn bị cho công việc?
 
Không, vì cha luôn là một phần trong cộng đồng, cha tiếp tục theo dõi các cuộc thảo luận và tình trạng sự việc. Vì thế cha có tất cả các chuẩn bị cần thiết.
 
Và sau khi hoàn tất các bổn phận trong trách vụ của mình, cha có tiếp tục ngồi xuống văn phòng, viết lại phần cha đã viết dở dang không? Như người đan áo, tiếp tục đan phần còn lại?
 
(Cha cười.) Cũng gần gần như vậy. Đó là cái gì về mặt nội tâm luôn ở trong lòng cha, nó hiện diện đủ để cha nối tiếp công việc, một cách mà cha có thể tiếp tục làm ngay lập tức.
 
Cha 80 tuổi, cha viết một công trình to lớn, cha đắm sâu trong một chủ đề đã chiếm cả cuộc đời của cha – làm sao những chuyện này xảy ra cho tác giả?
 
Để bắt đầu thì phải đọc lại hết, suy ngẫm hết. Mặt khác, phải khởi đi từ Tin Mừng, ngoài ra  phải trao đổi với các tác phẩm chú giải chính. Đó là một tái khám phá. Đó cũng là một tiến bộ thiêng liêng là cha được đắm sâu lại cho đến tận các nền tảng và có thể nói lên điều đó. Vì, chỉ khi mình có khả năng diễn tả và nói lên các chuyện thì khi đó mình mới hiểu chúng.
 
Như thế lại là nguồn cảm hứng cho một xúc cảm sâu đậm mới?
 
Chắc chắn. Tất cả lại trở nên rất gần với mình. Bởi vì mình cân nhắc lại tất cả. Chẳng hạn như bài về cánh chung học của Chúa Giêsu, mọi người đều nghĩ thế giới sẽ biến mất với Giêrusalem. Hay là về việc đền tội. Tìm một cách để đề cập đến nó, đó là điều khó nhất. Và cha có cảm tưởng, khi cha tin cha đã có các ý tưởng nền tảng, thì cha như được ơn lại tất cả.
 
Có thể nói công việc này là nguồn của một sức mạnh không thể thay thế được trong triều giáo hoàng của cha?
 
Chắc chắn như vậy. Một chút giống như cha liên tục múc nguồn nước ở nơi sâu nhất của các nguồn.

Trong cuộc hiện sinh của mình, có lúc nào cha sống giây phút mà cha tự hỏi, nếu tất cả những gì mình tin vào Chúa chỉ là một ý tưởng? Có ngày nào mình thức dậy buổi sáng và nói: chúng ta thật sự đã lầm?
 
Câu hỏi “Có thật sự có căn cứ không?” là câu hỏi đương nhiên được đặt ra thường xuyên. Nhưng mặt khác cha cũng sống nhiều kinh nghiệm cụ thể của đức tin, những trải nghiệm của sự hiện diện của Chúa, nên cha được trang bị, để trong những giây phút này chúng không thể nào quật ngã được cha.
 
Cha không bao giờ cảm thấy có những nghi ngờ lớn? Chẳng hạn, trong thời trẻ khi cha còn là sinh viên?
 
Lúc đó còn ít hơn. Giáo hội lúc đó còn sinh động, tất cả mọi sự đều đơn giản và trực tiếp, đích thực và êm dịu. Không, chỉ là sau này, khi thế giới thành manh mún, Kitô giáo và cả chính Giáo hội gần như không còn biết mình hồi xưa như thế nào. Nhưng cha luôn cảm thấy mình được nâng đỡ, cảm tạ Chúa.
 
Trong triều giáo hoàng của cha, “chỉ” có ba thông điệp. Vì sao lại có ít vậy?
 
Trước hết vì cha muốn viết xong quyển sách Giêsu. Dĩ nhiên có thể xem đó như một ưu tiên không đúng chỗ. Dù sao thì đó là một trong các lý do. Và cũng vì sau một loạt tràn đầy thông điệp của Đức Gioan-Phaolô II, thì cha nghĩ cũng tốt để theo một nhịp chậm hơn.
 
Cha có một thông điệp nào cha thích? Thông điệp nào cha yêu chuộng nhất?
 
Có lẽ là cái đầu tiên, Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas est).
 
(*)
 
Kinh cầu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cho người Do thái, một trong những “lời cầu bàu trọng” của phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh theo nghi thức La Mã, bị tranh cãi mạnh. Lời cầu nguyện nguyên thủy có từ thế kỷ thứ 6 xem người Do thái là những người “phản trắc”  và xin Chúa cất “tấm màn che phủ quả tim họ” để họ nhận biết Chúa và đưa họ ra khỏi “mù quáng và bóng tối”. Trong phần cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã có sáng kiến thay đổi lời cầu bàu này. Ngày nay, trong phần phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, giáo dân đọc như sau: “Ta hãy cầu cho người Do thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe Lời Chúa phán dạy. Giờ đây xin Chúa làm cho họ ngày càng yêu mến Danh thánh Chúa, và trung thành với Giao ước của Người để họ đạt được mục đích mà ý Chúa muốn dẫn dắt họ” . khi Đức Gioan-Phaolô II đồng ý để cho vài nhóm dùng lại theo nghi thức thánh lễ năm 1962, thì khi đó có thể đọc bản đổi ngược của lời cầu bàu cho người Do thái và làm lại nội dung, xem họ là nạn nhân của “sự mù quáng” và xin “đưa họ ra khỏi bóng tối của họ”. Tháng 2 năm 2008, Đức Bênêđictô XVI đã thay đổi bản này như sau: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho người Do Thái để Thiên Chúa là Chúa chúng ta soi sáng tâm hồn họ, để họ nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc mọi người. Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu, Đấng muốn tất cả nhân loại được cứu và được nhận biết chân lý, xin cho toàn dân Israel được cứu và cùng với các quốc gia vào trong Giáo hội của Ngài. Amen”.
 

Tác giả: Marta An Nguyễn chuyển dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập176
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm174
  • Hôm nay27,804
  • Tháng hiện tại565,843
  • Tổng lượt truy cập56,667,480
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây