Chúa nhật 12 TN A. Giải thích Lời Chúa

Thứ ba - 20/06/2017 10:13

-

-
Bản văn Tin Mừng Mát-thêu hôm nay được trích từ diễn từ thứ hai của Đức Giê-su được gọi “diễn từ về sứ vụ”. Thánh Mát-thêu đã kết tập ở đây những lời khuyên bảo và những huấn thị mà Đức Giê-su ngỏ lời với các môn đệ Ngài,...
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN

 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy mời gọi chúng ta suy niệm những bổn phận mà các sứ giả Thiên Chúa phải chu toàn, dù họ là những ngôn sứ, tông đồ, nhà truyền giáo hay đơn giản là những môn đệ. Không được lặng thinh, hãy làm chứng và đừng bao giờ sợ hãi. Thiên Chúa ở cùng họ.
 
Gr 20: 10-13
 
Bài Đọc I trích dẫn “Lời Trần Tình” cuối cùng của Giê-rê-mi-a. Trong cảnh bị bách hại, ngôn sứ Giê-rê-mi-a kêu cầu cùng Thiên Chúa, phó thác cho Ngài nguyên nhân của mình và hát lên niềm vui của mình.
 
Rm 5: 12-15
 
Bài Đọc II tiếp tục trích dẫn thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Phần trích dẫn hôm nay gợi lên phản đề của triều đại ân sủng được Đức Giê-su thiết lập, phá hủy sự thống trị của cái chết và tội lỗi kể từ nguyên tổ A-đam.
 
Mt 10: 26-33
 
Tin Mừng trích dẫn “diễn từ về sứ vụ” của Đức Giê-su trong đó thánh Mát-thêu tập hợp những huấn thị mà Đức Giê-su ngỏ lời với các môn đệ Ngài nhắm đến sứ mạng tương lai của họ: nói công khai và không sợ hãi, luôn luôn tuyên xưng Ngài là Chúa bất chấp những bách hại. 
 
BÀI ĐỌC I (Gr 20: 10-13).
 
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a là một trong những dung mạo hấp dẫn nhất của trào lưu ngôn sứ. Ông thi hành sứ mạng của mình ở Giê-ru-sa-lem vào cuối thế kỷ VII và đầu thế kỷ VI tCn, nghĩa là vào thời kỳ đặc biệt bi thảm đối với quê hương ông: thời kỳ vương quốc Giu-đa bị họa diệt vong, kinh thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thánh bị quân Ba-by-lon tàn phá (598-587 tCn).
 
Vốn bản tính nhút nhát, một tâm hồn rất đa cảm, ngôn sứ Giê-rê-mi-a lãnh nhận sứ mạng loan báo những tai họa, công bố những sứ điệp đi ngược lại với những viễn kiến của mọi người, rao giảng ăn năn sám hối cho các vị lãnh đạo và dân chúng, những người nầy cứng lòng tin không chịu nghe ông.
 
Trong tác phẩm của mình, thỉnh thoảng ông bày tỏ những phàn nàn, những xao xuyến, thậm chí những nghi ngờ nữa. Những lời trần tình tản mạn nầy được các nhà biên soạn tập hợp lại dưới nhan đề: “Lời Trần Tình của Giê-rê-mi-a” (11: 18-23; 12: 1-6; 15: 10 và 20; 17: 14-18; 18: 18-23; 20: 7-18). Vào Chúa Nhật nầy, chúng ta đọc Lời Trần Tình sau cùng.
 
1. Đơn độc một mình:
 
Chính vào thời kỳ thế lực Át-sua hoàn toàn suy yếu mà Giê-rê-mi-a loan báo những cuộc tấn công gây tang tóc từ phía một kẻ thù lân bang. Tuy nhiên, những lời loan báo của ông chẳng được ai quan tâm.
 
Khi Giê-ru-sa-lem bị vua Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-no-so xâm chiếm vào 598 tCn, và một phần dân cư bị dẫn đi lưu đày, vị ngôn sứ tiên báo rằng cuộc lưu đày sẽ dài lâu, nhưng đó sẽ là cuộc thử thách có lợi, phong phú về phương diện tinh thần. Người ta gán cho ông có tinh thần chủ bại.
 
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a còn tiên báo những tàn phá mới càng trầm trọng hơn. Vua Giê-hô-gia-kim xé những sấm ngôn của vị ngôn sứ ra thành từng miếng và ném vào lò lửa. Ngôn sứ Giê-rê-mi đập vỡ chiếc bình gốm để cảnh tỉnh đồng bào ông rằng đó sẽ là số phận của Giê-ru-sa-lem. Ông trở nên trò cười cho mọi người. Một ngày kia, trong Đền Thờ, ông công bố rằng những tàn phá sẽ sớm xảy đến. Người ta bắt ông, đánh đòn ông, xích ông lại. Một lần khác, người ta ném ông vào một cái giếng cạn đầy bùn.
 
Đám đông chán ngấy vị ngôn sứ loan báo tai họa nầy: “Kìa lão “Tứ phía kinh hoàng !, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi !”. Gia đình của ông, bạn bè của ông, những người đồng hương của ông đều âm mưu hãm hại ông. 

Ở Giê-ru-sa-lem, có những ngôn sứ khác đồng thời với ông tuyên sấm bình an, nhưng họ không được Đức Chúa ủy quyền. Giê-rê-mi-a biết rằng những lời của ông thì chân thật vì chúng phát xuất từ Thiên Chúa. Ông sống trước những biến cố khủng khiếp mà ông tiên báo và ông cảm thấy một nỗi phiền muộn mênh mông.
 
2. Thiên Chúa sẽ báo oán cho những phận hèn.
 
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a chỉ nương tựa vào một mình Đức Chúa. Vốn là một con người cầu nguyện và nội tâm, ngôn sứ không ngừng đối thoại với Thiên Chúa; ông phó thác công việc của ông cho Ngài, vì biết rằng Đức Chúa là Đấng bênh vực những người đơn côi cô thế và phận hèn. Vị ngôn sứ mong ước được thấy đối thủ của ông phải hổ ngươi bẽ mặt: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là nỗi ô nhục không thể nào quên”.
 
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a diễn tả nhiều lần niềm ước mong nầy. Nhưng ông không bao giờ có ý định trả thù đối với bất kỳ cá nhân nào. Ông hoàn toàn phó thác vào duy chỉ một mình Thiên Chúa. Thỉnh thoảng ông thôi phàn nàn để cầu bầu cho những kẻ thù của ông.
 
3. Niềm hoan hỉ:
 
“Lời Trần Tình của Giê-rê-mi-a” kết thúc với một tiếng reo vui, tràn đầy niềm tín thác, vì ông tin chắc rằng lời nguyện xin của ông sẽ được nhậm lời: “Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo”.
 
Khi thành thánh Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lon đánh chiếm trong cảnh hỗn loạn vào năm 587 tCn, ngôn sứ Giê-rê-mi-a được nể trọng và không phải bị dẫn đi lưu đày. Trước cảnh tang thương lớn lao của dân tộc ông, ông trở thành ngôn sứ loan báo niềm hy vọng. Ông khẳng định rằng không có gì bị mất đi, Thiên Chúa sẽ thiết lập một Giao Ước mới, Giao Ước sẽ được ghi khắc không phải trên bia đá mà trong lòng dạ của con người. Ông tiên cảm một tôn giáo mang chiều kích nội tâm hơn bằng chính cuộc sống của mình.
 
Sau khi ông qua đời, ảnh hưởng của ông thật lớn lao và ngay tức khắc. Không một tác phẩm ngôn sứ nào được những người lưu đầy ở Ba-by-lon đọc đi đọc lại nhiều như tác phẩm của Giê-rê-mi-a. Việc báo ứng mà ông đã từng khẩn nguyện với Thiên Chúa thuộc trật tự tâm linh.
 
BÀI ĐỌC II (Rm 5: 12-15)
 
Trong chương năm thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô thiết lập tiền đề về ơn cứu độ phổ quát của Đức Giê-su. Ngài là Đấng cứu độ của muôn dân: không ai có thể được cứu mà không qua Ngài. Mọi người là những tội nhân, vì thế, tất yếu đều phải qua Ngài để được công chính hóa. Thánh nhân ca ngợi Đức Giê-su đích thật là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát. Trên cõi thế nầy, không ai có thể nên công chính nếu Đức Giê-su đã không hành động ở nơi người ấy.
 
Như trong chương trước đó, thánh Phao-lô đã ra sức thiết lập tiền đề của mình khởi đi từ truyền thống Kinh Thánh. Tổ phụ Áp-ra-ham được cứu nhờ tin. Ở đây cũng vậy, thánh nhân lại viện dẫn Cựu Ước như phản đề. Đức Giê-su là Đấng Cứu độ duy nhất, nhờ chỉ mình Ngài mà ơn cứu độ đã xâm nhập trần gian. A-đam là tội nhân nguyên khởi. Qua ông mà tội đã lan tràn đến hết mọi người. Cựu Ước và Tân Ước đối xứng với nhau thật hoàn hảo. Hình ảnh Cựu Ước loan báo việc ứng nghiệm trong thế giới Kitô giáo. Rõ ràng toàn bộ chương trình cứu độ xuất phát từ chính Thiên Chúa. Tấm màn đen tối của Cựu Ước làm rực sáng lên Đức Kitô trong Tân Ước. Dự định của thánh nhân dễ dàng nhận ra: phải lớn tiếng cao rao ơn cứu độ phổ quát nơi Đức Giê-su Kitô. 
 
Để kết thúc, chúng ta phải ghi nhận rằng thánh Phao-lô thiết lập tiền đề của mình ở Rm 5: 12-21. Các câu 1-11 hình thành nên một loại chuyển tiếp giữa tiền đề thần học đi trước: sự công chính hóa không bởi công nghiệp của Lề Luật nhưng bởi đức tin. Đó là tiền đề mà chúng ta đang tìm hiểu ở đây.
 
Bản văn mà Phụng Vụ đề xuất cho chúng ta chỉ là một phần của đề tài mà thánh Phao-lô trình bày. Đề tài phải được đọc trên hậu cảnh mà chúng ta vừa mới gợi lên. Sự hiểu biết của đoạn trích nầy tùy thuộc vào hậu cảnh nầy.
 
Câu 12 bắt đầu một sự đối chiếu vĩ đại nhằm diễn tả tiền đề của thánh Phao-lô, vì thế thống trị toàn bộ bản văn và sẽ được nối tiếp chỉ ở câu 18. Hai thành viên của sự đối chiếu được tách riêng ra bởi một loạt những khảo sát thần học, những khảo sát nầy gặp thấy vài khía cạnh của vấn đề. Tư tưởng của thánh Phao-lô xô đẩy lẫn nhau; cường độ của suy tư vượt lên trên trật tự hợp lý. Trong niềm hưng phấn của cuộc tranh luận, thánh nhân suy nghĩ nhanh hơn là nói.
 
Để làm sáng tỏ hơn, chúng ta sẽ trình bày sự đối chiếu theo sơ đồ như sau: vì một người duy nhất, tội lỗi xâm nhập thế gian, và từ đó, tội lỗi gây nên cái chết (5: 12); cũng vậy, vì một người duy nhất, sự công chính hóa đã được thực hiện, và từ đó, ơn công chính hóa nầy đem lại sự sống (5: 18).
 
Do từ sự đối chiếu nầy, bản văn phụng vụ chỉ giữ lại câu 12, vì thế, câu nầy chưa hoàn tất, thậm chí còn rườm rà phức tạp nữa. Vế thứ nhất của câu 12: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên cái chết” nối lại lập luận với điều đi trước: tóm lại, vì xuất hiện trong chức năng cứu độ viên mãn của mình, Đức Giê-su đặt mình trong tư thế đối lập với nguyên tổ A-đam. Vì bất tuân, nguyên tổ A-đam đã đem tội lỗi vào thế gian và hậu quả của nó là cái chết đã gây tác hại ngay tức khắc trên thân phận con người.
 
Cái chết cô động và tóm gọn tất cả sự dữ trong thế gian. Cái chết tinh thần hệ tại nơi sự đoạn tuyệt giữa con người với Thiên Chúa mà cái chết thể lý xem ra là dấu chỉ rõ ràng nhất. Thánh Phao-lô lập luận trong viễn cảnh Cựu Ước, theo đó có một sự liên kết chặt chẽ giữa tội lỗi và mọi hình thức sự dữ trong thế gian. Con người phải chịu trách nhiệm đưa sự dữ vào trong công trình tạo dựng vốn tốt lành. Con người đã làm hỏng công trình của Thiên Chúa. Suy tư nầy dẫn chúng ta trực tiếp vào trọng tâm của giáo thuyết về tội nguyên tổ.
 
Vế thư hai của câu 12 có thể được hiểu theo hai cách tùy theo cách giải thích của đại từ liên hệ Hy lạp: đại từ nầy có thể quy chiếu đến số nhiều: “mọi người” hay số ít: “người nầy” (A-đam) hoặc “cái chết” của vế đi trước đó. Theo cách hiểu thứ nhất: “Cái chết đã tràn lan đến hết mọi người vì mọi người đều phạm tội”, thánh nhân nhấn mạnh rằng, do tội của chính mình, con người liên đới với tội Ađam. Theo cách hiểu thứ hai: “Cái chết đã lan tràn đến hết mọi người vì A-đam, vì ông mọi người đều phạm tội”, thánh nhân soi sáng mối liên hệ nhân quả giữa tội A-đam và tội của toàn thể nhân loại, tội của toàn thể nhân loại một cách nào đó chuẩn nhận tội nguyên tổ. Ý nghĩa của câu không thay đổi là mấy nếu đại từ liên hệ được quy chiếu không đến nguyên tổ A-đam nhưng đến cái chết: “cái chết đã lan tràn đến hết mọi người vì tình trạng của cái chết (gây ra bởi tội A-đam), mọi người đều phạm tội”. Văn phạm không giúp giải quyết cuộc tranh luận giữa các nhà chú giải. Vả lại, văn phạm không nêu lên vấn đề về ý nghĩa sâu xa của đoạn văn, nó đem đến những dấu nhấn khác nhau trong một sự khẳng định tự căn bản vẫn là như nhau.
 
Các câu 13-14 nhấn mạnh sự kiện theo đó mọi người đều là tội nhân. Người ta có thể nghĩ rằng những người trước ông Mô-sê đã không bị tội tác hại. Họ đã không biết luật, vì thế họ đã không thể vi phạm luật. Tuy nhiên, phải nhận chân rằng họ cũng chết, cũng bị thống trị và nghiền nát do hậu quả của tội. Vì thế, người ta có thể kết luận rằng chính họ cũng là những tội nhân. Ở phần cuối của câu: “A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới” thánh nhân dẫn đưa chúng ta từ hình bóng của Cựu Ước đến thực tại của nó trong Tân Ước.

Phản đề khởi sự ở câu 12 thật sự được khai triển ở câu 15. Đức Kitô trổi vượt vô cùng tận trên nguyên tổ A-đam. Tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi của con người. Nếu như tội lỗi của con người có thể hủy hoại tất cả công trình sáng tạo, thì ân sủng của Thiên Chúa phải đổi mới thế gian biết chừng nào! Thánh Phao-lô tiếp tục nhấn mạnh sự siêu vượt của Đức Kitô trong mối liên hệ với nguyên tổ A-đam ở những câu 16-17 và tiếp đó lấy lại sự đối chiếu còn bỏ lững ở câu 12.
 
TIN MỪNG (Mt 10: 26-33)
 
Bản văn Tin Mừng Mát-thêu hôm nay được trích từ diễn từ thứ hai của Đức Giê-su được gọi “diễn từ về sứ vụ” (10: 5-42). Thánh Mát-thêu đã kết tập ở đây những lời khuyên bảo và những huấn thị mà Đức Giê-su ngỏ lời với các môn đệ Ngài, nhắm đến sứ mạng tương lai của họ.
 
Đức Giê-su vừa mới phác họa bức tranh tăm tối về những khó khăn mà các Tông Đồ sẽ phải đối đầu, những thù ghét sẽ nổi lên dữ dội chống lại họ như đã chống lại Thầy họ, những lời vu khống mà người ta sẽ cáo tội họ như người ta cáo tội Thầy họ. Nhưng đừng để nỗi sợ hãi làm mình nao núng.
 
1. Sức mạnh của sứ điệp.
 
Bất chấp thái độ thù địch, các môn đệ đừng sợ, hãy mạnh dạn lớn tiếng công bố giữa thanh thiên bạch nhật sứ điệp mà Ngài đã trao gởi cho họ “lúc đêm vắng, tai kề tai”.
 
Trong chỗ thân tình, Đức Giê-su giáo huấn chỉ một nhóm nhỏ môn đệ, còn với đám đông Ngài chỉ dạy bằng dụ ngôn, tuy nhiên khi thời gian đến “không có gì che dấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết”. Thánh Lu-ca cũng trích dẫn hai lần câu nói nầy: lần thứ nhất theo cùng một ý nghĩa như thánh Mát-thêu, không ai lấy hũ che ngọn đèn thắp sáng hoặc đặt nó ở dưới gầm giường (Lc 8: 17); còn lần thứ hai, câu nói nầy theo văn mạch có ý nghĩa rất khác: Đức Giê-su tố cáo thói giả nhân giả nghĩa của người Biệt Phái (Lc 12: 2-3). Bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, Đức Giê-su sẽ đưa Mặc Khải đến hồi viên mãn. Lúc đó, các môn đệ của Ngài, các thừa tác viên của Lời Ngài, những người phục vụ Lời Ngài, sẽ phải thông truyền Lời Ngài cách công khai cho hết mọi người, công bố lớn tiếng Lời Ngài “trên mái nhà”. Mái nhà, theo kiểu xây nhà của người xứ Pa-lét-tin, là một sân thượng, ở đó vào lúc chiều hôm mát mẽ người ta trò chuyện với nhau từ sân thượng nầy sang sân thượng khác. Đức Giê-su đối lập Mặc Khải chưa hoàn tất với Mặc Khải nên trọn, cũng như sự nhát đảm hiện nay của nhóm Mười Hai với lời rao giảng đầy quyền năng của họ sau biến cố Ngũ Tuần.
 
2. Những kẻ bách hại không thể giết được linh hồn.
 
Các môn đệ sẽ kinh qua những nhục hình, đòn vọt, tù đày…, và phần lớn trong số họ được phúc tử đạo. Tuy nhiên, những kẻ bách hại không thể làm gì được trên lương tâm của họ, đức tin của họ, chính trên pháo đài nội tâm nầy mà tâm hồn của mỗi người hình thành nên. Vì thế, Đức Giê-su khuyên các môn đệ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”. Chính Thiên Chúa mà các môn đệ phải sợ vì chỉ mình Ngài mới có quyền năng xác định số phận đời đời của con người. Như vậy, thánh Lu-ca đối lập sợ hãi con người với sợ hãi Thiên Chúa. Theo nghĩa Kinh Thánh, “sợ hãi Thiên Chúa” hàm chứa một cuộc sống công chính, tránh xa tội lỗi. Trong thư thứ nhất của mình, thánh Phê-rô một cách nào đó tóm lược lời nói nầy: “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người là Chúa ngự trị trong lòng anh em.” (1Pr 3: 14-15).
 
3. Tình phụ tử của Thiên Chúa.
 
Những lời khuyên bảo của Đức Giê-su được sưu tập và đặt bên cạnh nhau khiến gây nên những trái ngược. Sau Thiên Chúa là Thẩm Phán, lại đến Thiên Chúa là Phụ Tử, Ngài ân cần săn sóc các thụ tạo của Ngài, dù chúng chỉ là những chim sẻ không đáng giá là bao.
 
Kiểu nói: “Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” được mượn ở Cựu Ước: “Không một sợi tóc nào trên đầu Giô-na-than sẽ rụng xuống đất, vì hôm nay ông đã hành động cùng với Thiên Chúa” (1Sm 14: 45; x. 2Sm 14: 11; 1V 1: 52), có nghĩa ơn quan phòng của Thiên Chúa. 
 
4. Lời chứng của Chúa Con.
 
Viễn cảnh của những cuộc bách hại là điểm nhấn của diễn từ về sứ vụ. Giờ đây thánh Mát-thêu gợi lên những nguy cơ chối đạo có thể bất ngờ xảy đến: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Theo lối hành văn đối xứng rất được người Do thái ưa chuộng, lời khẳng định nầy hàm chứa lời tuyên bố tương tự theo lối phủ định: “Phàm ai không tuyên bố…, thì Thầy cũng sẽ không…”. Đây là lời hứa của Đức Giê-su vào giờ xét xử thời chung cuộc.
 
Bản văn Tin Mừng Mát-thêu nầy có một hậu cảnh bi thảm. Nó loan báo một thời kỳ bách hại dữ dội trong lịch sử. Những kẻ bách hại sẽ bất ngờ xuất hiện rất sớm. Vào năm 36, thánh Tê-pha-nô sẽ mở đầu một danh sách dài của những người tử đạo, tiếp đó thánh Gia-cô-bê, anh của thánh Gioan, vào năm 42. Theo sau những bách đạo của chính quyền Do thái giáo, đến những bách đạo của chính quyền Rô-ma. Bản văn của sách Khải Huyền đã nêu rõ lời bối cảnh này: “Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi phải chịu: nầy ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi… Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”  (Kh 2: 10).  

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay38,782
  • Tháng hiện tại554,818
  • Tổng lượt truy cập56,656,455
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây