Vì sao 9 người chui vào hang nghe điện thoại bị sét đánh?

Thứ sáu - 18/04/2014 12:12

-

-
Mấy ngày vừa qua, sự việc chín người ở tỉnh Điện Biên bị sét đánh trọng thương khi đang trú mưa trong hốc đá khiến nhiều người hoang mang, lo lắng sẽ gặp tai hoạ “trời giáng” bất kỳ lúc nào nếu như không có kinh nghiệm phòng tránh.
Vì sao 9 người chui vào hang nghe điện thoại bị sét đánh?
 
Mấy ngày vừa qua, sự việc chín người ở tỉnh Điện Biên bị sét đánh trọng thương khi đang trú mưa trong hốc đá khiến nhiều người hoang mang, lo lắng sẽ gặp tai hoạ “trời giáng” bất kỳ lúc nào nếu như không có kinh nghiệm phòng tránh. Chui vào hang, nghe điện thoại, bị sét đánh ảnh hưởng đến người xung quanh được lý giải như thế nào?
 
Chín người bị sét đánh khi đang trú mưa
 
Ngày 8/4 vừa qua, chín người dân bản Lạn 1, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) trong lúc đi làm nương đã bị sét đánh gây thương tích nghiêm trọng. Cụ thể, một số gia đình trong bản Lạn 1 cùng nhau đi làm nương tại khu vực Pa Nén, khi thấy trời mưa, giông bão đã rủ nhau vào trú ẩn trong hốc đá ngay cạnh khu vực sản xuất.
 

Một nạn nhân trong vụ sét đánh.
 
Trong lúc trú mưa, chị Lò Thị Thanh (ở bản Lạn 1, xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng) đã nghe điện thoại di động nên bị sét đánh làm cả chín người xung quanh bị thương, điện thoại di động của chị Thanh bị sét đánh vỡ. 
 
Sau khi bị sét đánh, chín bệnh nhân được đưa vào trạm Y tế xã Mường Lạn sơ cứu; trong đó năm trường hợp bị bỏng nặng sau khi sơ cứu được chuyển lên điều trị tại trung tâm Y tế huyện Mường Ảng.
 
Bác sỹ Phí Thị Hoa, Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết: “Năm người bị thương nặng, trên cơ thể có nhiều vết bỏng từ độ 1 đến độ 2. Các bệnh nhân bị bỏng ở vùng mặt, ngực và chân tay, diện tích bỏng từ 7-20%, người bị bỏng nặng nhất là chị Lò Thị Thanh. Các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được phục hồi, sẽ tiếp tục điều trị trong khoảng 7-15 ngày cho đến khi bình phục hoàn toàn”.
 
Đây không phải sự việc hy hữu, cách đây không lâu, tại Lào Cai cũng có một trường hợp nằm trong lán trú mưa, lấy điện thoại di động nhắn tin đã bị sét đánh tử vong.
 
Qua vụ việc ở tỉnh Điện Biên, các chuyên gia khuyến cáo đến người dân rằng, nên tránh dùng điện thoại di động trong lúc trời mưa giông, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
 
Độ nguy hiểm phụ thuộc vào bản chất của vật bị sét đánh
 
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng viện Vật lý Địa cầu cho rằng: “Điện thoại di động hoàn toàn vô can trong tình huống này. Vì sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động rất yếu, không đủ để trở thành cột hút sét giống như một số diễn đàn mạng bàn luận, lo lắng. Cường độ sóng phải lớn như các trạm phát sóng phát thanh truyền hình, các đường truyền radio, ti vi, điện thoại bàn... thì giông sét mới đủ cường độ để bắt vào và trở thành đường truyền sét gây nguy hiểm cho người sử dụng.
 
Nơi trú ẩn của các nạn nhân ở Điện Biên là hang đá và ở Lào Cai là lán trại đều không có cột chống sét. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân bị thương vong. Việc nạn nhân bị sét đánh chỉ là trùng hợp với việc nạn nhân đang sử dụng điện thoại di động”.
 
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho hay, sét là hiện tượng phóng điện giữa hai đám mây khác dấu hoặc giữa đám mây dòng và vật mang điện khác dấu, đặc biệt những vật dễ nhiễm điện như điện thoại, tivi đang hoạt động. Dùng điện thoại dưới trời mưa giông sẽ rất dễ xảy ra quá trình phóng điện từ đám mây giông xuống điện thoại gây ra tai nạn cho người dùng. 
 
Theo tiến sỹ Khải, do cả chín người tập trung cùng một chỗ tạo thành khối dẫn điện tương hỗ lớn và trở thành đối tượng của phóng điện sét. “Việc sử dụng điện thoại bàn (có dây từ xa nối đến) nguy hiểm hơn rất nhiều so với điện thoại di động bởi dòng sét có thể xâm nhập qua đường dây. Trên thực tế đã có trường hợp bị đánh thủng não khi nghe điện thoại bàn”, tiến sỹ Khải nói.
 
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, đại diện viện Vật lý Địa cầu cho biết, sét có thể gây thương tích cho con người bằng nhiều cách: Đánh thẳng vào vị trí nạn nhân từ trên đám mây xuống; khi nạn nhân đứng cạnh vật bị sét đánh, sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật (trong trường hợp này gọi là sét đánh tạt ngang); sét đánh khi nạn nhân tiếp xúc với vật bị sét đánh; khi người tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm trong khi sét lan truyền trên mặt đất thì gây giật điện, sét lan truyền qua đường dây cáp tới các vật như điện thoại, tivi, ổ cắm...
 
Theo thống kê thì sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất, cứ mười người bị sét đánh thẳng thì tám người chết. Sét đánh tiếp xúc hay tạt ngang cũng rất nguy hiểm. Khi sét đánh xuống cây thì một tia sét có thể giết chết ngay vài người xung quanh. Độ nguy hiểm phụ thuộc vào bản chất của vật bị sét đánh và vị trí tương đối với nạn nhân. Trong một số trường hợp, năng lượng tia sét không tiêu tán ngay tại chỗ mà truyền theo mặt đất và khi nạn nhân đứng trên đường truyền đó có thể bị liệt... Trong thực tế, sét lan truyền xuất hiện khi nạn nhân nói chuyện điện thoại, cầm vào các dây cáp, dây ăng- ten dẫn từ ngoài vào.
 
Theo các chuyên gia, sét là hiện tượng ngẫu nhiên cho nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chủ động đề phòng tránh sét có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Cụ thể, khi nghe bản tin dự báo thời tiết, mọi người phải lên kế hoạch làm việc để đề phòng. Khi làm ở khu vực nào đó, phải để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km.
 
Tiến sỹ Xuân Anh khuyến cáo: “Khi tránh sét đánh ngoài trời khi đang mưa, tuyệt đối không trú dưới tán cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt... Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.
 
Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Người đó lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất; xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp để trú. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ”.
 
Bác sỹ Nguyễn Thu Hà, bệnh viện Xanh-Pôn cho biết: “Người bị sét đánh thường chết ngay tức khắc, nhưng cũng có trường hợp nhẹ, có thể thoát chết. Biểu hiện lâm sàng của người bị sét đánh giống như bị điện giật. Người bị sét đánh cần được cấp cứu kịp thời. Nếu nạn nhân bị ngất (ngừng thở, tim ngừng đập) phải thực hiện cứu chữa bằng phương pháp hà hơi, thổi ngạt, kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
 
Phải thực hiện tốt phương châm nhanh chóng, tại chỗ, kiên trì, liên tục, đúng phương pháp. Tốt nhất nên hà hơi cho nạn nhân từ 14- 16 lần/1 phút. Điều quan trọng là phải kết hợp hai động tác nhịp nhàng với nhau, nếu không, động tác này sẽ phản lại động tác kia. Cách phối hợp, cứ thổi ngạt một lần thì làm động tác xoa bóp (ép) tim bốn nhịp”.  

Tác giả: N. Giang

Nguồn tin: Người Đưa Tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập122
  • Hôm nay42,605
  • Tháng hiện tại673,611
  • Tổng lượt truy cập57,959,480
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây