Câu chuyện tấm hình và những tấm lòng nhân ái

Thứ năm - 31/07/2014 09:49

-

-
Trịnh Công Sơn đã cho ra đời ca khúc Diễm Xưa” nổi tiếng khi ngày ngày ngắm nhìn bóng dáng “một người con gái rất mong manh” bước qua cầu, đi dưới hàng cây long não để đến trường Đại học Văn khoa Huế. Và cũng từ góc nhìn đó nhạc sĩ họ Trịnh đã cho ra đời những ca khúc với những ca từ đầy tính nhân văn. “...Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”.
Câu chuyện tấm hình và những tấm lòng nhân ái
 
Hội Ngộ Gia đình Cựu Chủng sinh Huế lần thứ 2 khép lại sau tiệc trưa tại Đại Chủng viện Huế, nhưng đoàn phía Nam và Nha Trang-Ninh Thuận chúng tôi vẫn còn đúng một ngày để tiếp tục những cuộc vui và thăm lại thành phố Huế. Sáng ngày 25-7-2014, sau khi tham dự thánh lễ tại Trung tâm Mục vụ cạnh Tòa Tổng Giám mục, anh chị em lớp HT69 cuốc bộ sang bên kia cầu Phủ Cam để ăn sáng.
 
Bước trên cây cầu Phủ Cam bắc ngang sông An Cựu, bà xã chợt vỗ vai tôi: “Anh, nhìn kìa...” Bên dưới cầu, trên một chiếc ghe nhỏ, một đôi vợ chồng già đang thả lưới đánh bắt những con cá nhỏ. Con người và cảnh vật đẹp như trong một bức tranh, hàng cây hai bên bờ đổ bóng xuống dòng nước. Người Huế có câu: “...Sông An Cựu nắng đục mưa trong”, lúc này dòng sông không đục cũng không trong, nhưng vẫn in rõ hình những áng mây trắng trên bầu trời xanh vừa ửng nắng.
 
Nơi tôi đứng trên cầu là một góc chụp khá thuận lợi để thể hiện bố cục của bức hình. Bóng con thuyền in đậm dưới dòng nước, những gợn sóng lăn tăn tản ra thành những vòng tròn đồng tâm từ chiếc lưới đang được ông lão kéo lên. Tôi nhanh chóng bấm máy vì sợ con thuyền di động sang chỗ khác sẽ mất đi bố cục đẹp.

 
 
Tấm hình được khoe ngay với mấy đứa bạn cùng lớp. Ai cũng trầm trồ khen đẹp.
 
Ngày 27-7, sau khi tấm hình được chia sẻ lên Facebook và diễn đàn đã gây được nhiều cảm xúc. Niên trưởng Hoàng Xuân Tịnh (Kansas, USA)
, lớp AN41, 85 tuổi, tác họa 2 bài thơ:
 
Trời trên, nước dưới, giữa chiếc đò,
Hai tấm thân già một mối lo.
Lão ông vương vấn dây với nhợ,
Lão bà bận bịu chén cùng tô.
Một chiếc thuyền nan một khoang ấm,
Hai thân già khụ hai tim no…
No ấp mối tình thu suốt kiếp,
Góp nhặt chắt chiu mãi tới giờ.

                       ***
Lão ông câu được một chú tôm,
Bờ cây lội nước cúi xuống nhòm.
Mụ hỡi, bữa ni canh được ngọt!
Ông ơi, mai mốt cháo thêm thơm!
Con sông dưới chừ ôm hai đứa,
Mảnh trời trên nớ nới một vòm:
Gói ghém cuộc đời nơi tạm trú,
Tình ta trên ấy mới phom phom!
 
Trần Văn Tâm, lớp HT72 tại hải ngoại, “tức cảnh sinh tình”, ngay lập tức nhắn tin xin địa chỉ của anh Nguyễn Úy HT67 tại Huế để “có chút quà” cho đôi vợ chồng già.
 
Riêng tôi nhờ anh Nguyễn Úy rọi lớn tấm hình đã chụp để biếu cho ông bà lão này.
 
Sáng ngày 31-7-2014, anh Nguyễn Úy đã tìm gặp ông bà lão này, trao số tiền 100 USD của Trần Văn Tâm và tấm hình biếu của tôi, đồng thời tìm hiểu thêm về gia cảnh của hai ông bà. Anh Úy cho biết (nguyên văn):
 
“Mình vừa mới gặp ông lão đánh cá trên sông mới xong. Bà lão sáng nay bệnh không đi làm được. Ông lão cảm động và gởi lời cám ơn ân nhân.
 
Ông lão tên là Phan Văn Kê, 84 tuổi. Cụ bà tên Mai Thị Ký, 82 tuổi ở làng Vạn Xuân, Kim Long. Cụ ông bại liệt không thể đi lại được. Cả ngày ngồi trên chiếc đò đánh cá, tối đến có người làng giúp để lên bờ.
 
Hai ông bà có một con trai đạp cyclo, 2 cô con gái có chồng, nghề lượm chai bao. Con cái quá nghèo khổ không thể giúp chi được cho cha mẹ.
 
Biết được hoàn cảnh khó khăn của 2 cô con gái cụ, được sự đồng ý của cụ, mình sẽ lên làng Vạn Xuân để thăm hỏi và trích ra ít tiền trong số quà của Tâm để giúp đỡ phần nào. Tùy theo hoàn cảnh, mình sẽ cố gắng cộng tác thêm chút ít để giúp đỡ cho con cái của cụ.”

 
Điều đáng ngạc nhiên là trong cảnh cùng khổ như thế, cụ ông này vẫn thể hiện tình yêu thương chia sẻ chút quà nhỏ bé cho những đứa con của mình!
 
Có lẽ sự quan tâm của chúng ta không thể làm thay đổi cuộc sống của đôi vợ chồng già này, nhưng chắc chắn đã làm thay đổi con tim của chúng ta, thái độ sống của chúng ta đối với những người già, nhất là những mảnh đời thiếu may mắn, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Người già là gia sản quý báu của gia đình và xã hội”; “Một xã hội bỏ quên người già là một xã hội đánh mất đi cội rễ của mình”...
 
Tôi nhớ lại, cũng chính hình ảnh cây cầu này, từ bên kia con đường Nguyễn Trường Tộ với hai hàng cây long não quanh năm xanh mướt, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho ra đời ca khúc "Diễm Xưa” nổi tiếng khi ngày ngày ngắm nhìn bóng dáng “một người con gái rất mong manh” bước qua cầu, đi dưới hàng cây long não để đến trường Đại học Văn khoa Huế. Và cũng từ góc nhìn đó nhạc sĩ họ Trịnh đã cho ra đời nhiều ca khúc với những ca từ đầy tính nhân văn.

“...Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...” (Diễm Xưa, Trịnh Công Sơn).
 
Một số hình ảnh anh Nguyễn Úy ghi lại từ cuộc gặp gỡ:

 
























Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập664
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại917,179
  • Tổng lượt truy cập57,018,816
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây