Lễ Vọng Phục Sinh. Gặp Đấng Phục Sinh ở chốn đời thường

Thứ bảy - 19/04/2014 07:04

-

-
Chúng ta nhận ra hiện thực này: sống niềm tin vào mầu nhiệm Phục sinh không hệ tại ở những câu Hallêluia Chúa đã sống lại được cất lên theo cung điệu hoành tráng ở các thánh đường, cũng không hệ tại ở các nghi thức Phụng vụ trang trọng của đêm Lễ canh thức vọng mừng Chúa sống lại…
GẶP ĐẤNG PHỤC SINH Ở CHỐN ĐỜI THƯỜNG
(Lễ Vọng Phục Sinh năm A)

 
Đã biết bao lần mừng mầu nhiệm Chúa Phục sinh thế mà một cách nào đó theo cái nhìn của quảng đại Kitô hữu dường như tâm tình phục sinh không mấy đượm tình và sốt sắng cho bằng mầu nhiệm tử nạn của Chúa Kitô được suy ngắm trong suốt mùa Chay thánh. Dẫu cho hai mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đấng Cứu Độ luôn gắn liền với nhau, thế nhưng theo chiều kích thần học thì Phục sinh chính là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo. Chính sự phục sinh của Chúa Kitô mới thực sự khẳng định căn tính Thiên Chúa của Đấng làm người và đồng thời đem lại cho mầu nhiệm Khổ nạn của Người đủ đầy ý nghĩa. Nói như thánh tông đồ Phaolô vì nếu Chúa Kitô không phục sinh thì niềm tin của chúng ta ra vô ích và Kitô hữu chúng ta là những người khốn khổ nhất trần gian.
 
Vậy thử hỏi vì nguyên cớ nào mà tâm tình Kitô hữu sống mầu nhiệm Phục sinh xem ra không bằng mùa Chay hay mầu nhiệm Giáng sinh? Câu trả lời có thể nằm ở hạn từ sống. Vào mùa Chay Kitô hữu thường được mời gọi nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu đuối, bất toàn của mình để sám hối ăn năn. Cái thực trạng bất toàn yếu đuối, tội lỗi của bản thân thì dường như dễ thấy vì nó như là tình trạng hiện sinh của kiếp người vốn dĩ bất thập toàn. Dù là bậc thánh nhân hay người vai cao vị trọng trong giáo hội, tất thảy đều là những con người mỏng dòn. Có thể khẳng định rằng ngoại trừ Mẹ Maria thì khi đã đến tuổi khôn, loài người chúng ta không một ai là đã không từng phạm tội. Mặc dầu được chỉ dạy rằng sám hối ăn năn là để canh tân thay đổi, tuy nhiên một cách nào đó việc ăn năn sám hối rất dễ dừng lại ở bản thân mình hơn và thực tế Kitô hữu nói chung cũng dễ hài lòng với việc lãnh nhận bí tích hòa giải và làm một vài việc đền tội cách tượng trưng do linh mục giải tội đề ra hoặc làm một vài việc bác ái trong giới hạn nào đó hoặc một đôi lần đi đàng Thánh Giá hay một vài hy sinh hãm mình chay tịnh. Đến đây chúng ta mới hiểu được phần nào tâm tình sống mùa Chay xem ra sốt sắng vì nó quy hướng về mình nhiều hơn.
 
Trái lại mầu nhiệm Phục sinh thì đòi hỏi Kitô hữu chúng ta phải lên đường và ra đi. Tuyên xưng Chúa Kitô đã phục sinh trước hết là tuyên xưng niềm tin vào Đấng tử nạn chính là Thiên Chúa thật, vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể chiến thắng sự chết. Khi đã tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thật tức là nhìn nhận sự sống sự chết của chúng ta và cả hạnh phúc đích thật của chúng ta lệ thuộc vào Người. Và như thế điều tất yếu phải đến đó là để được trường sinh, để được hạnh phúc thì chúng ta phải thực thi lời Người truyền dạy, phải dõi theo chân Người để sống như Người đã sống.
 
Tuyên xưng Chúa Kitô đã phục sinh là nhìn nhận rằng sự thật đã chiến thắng sự gian dối, tình yêu đã chiến thắng sự hiểm ác, bạo tàn. “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10). Không phải ở đền thờ Giêrusalem, cũng không phải ở trên núi Taborê, nhưng là ở Galilê là nơi mà các môn đệ đang sống với những chuyện đời thường, cơm áo gạo tiền, chuyện gia đình, chuyện xóm thôn… các môn đệ sẽ gặp gỡ Đấng Phục sinh.
 
Qua lời của Đấng Phục sinh ngõ với các bà ở trên thì chúng ta nhận ra hiện thực này: sống niềm tin vào mầu nhiệm Phục sinh không hệ tại ở những câu Hallêluia Chúa đã sống lại được cất lên theo cung điệu hoành tráng ở các thánh đường, cũng không hệ tại ở các nghi thức Phụng vụ trang trọng của đêm Lễ canh thức vọng mừng Chúa sống lại…mà hệ tại ở việc nỗ lực làm cho công lý và sự thật, làm cho tình yêu và sự tương thân tương ái được bừng sáng trong những chuyện của đời thường. Như thế sống mầu nhiệm Phục sinh đòi hỏi chúng ta phải biết sống liên đới với tha nhân đến cùng, nhất là với những người đang bị kìm hãm bởi sự gian tham, dối trá và ác độc. Sống mầu nhiệm Phục sinh là tích cực dệt xây một môi sinh an bình trong công lý và tình huynh đệ. Như thế có thể nói rằng một điểm tới không thể thiếu của mầu nhiệm Phục sinh mà chúng ta cần phải sống đó là tha nhân và xã hội.
 
Cần thú nhận rằng quá trình đi ra khỏi cái bản ngã để đến với tha nhân trong tình liên đới thật không mấy dễ dàng. Chính vì thế mà chúng ta chưa thật sự cảm nhận hiệu quả của tin mừng Phục sinh. Rất có thể đối với nhiều Kitô hữu, ngay sau Thánh Lễ vọng Phục sinh và ngày Chúa Nhật mừng chính thức tiếp liền sáng hôm sau thì mùa Phục sinh xem như là chấm dứt. Tất thảy vì lý do này: họ đã quên rằng Đấng Phục sinh đã trở về Galilê, nghĩa là đang ở giữa cảnh đời thường để đón đợi chúng ta. Ước gì một mùa Phục sinh đang đến và sẽ không qua đi cách vô hiệu đối với bản thân tôi cũng như với nhiều người trong chúng ta. Ước gì câu từ Alleluia thúc bách chúng ta lên đường, ra đi thực thi nội hàm của sứ điệp Phục sinh: Sự thật phải ngự trị, công lý phải bừng sáng, tình yêu phải tỏa lan ngay trong chuyện cơm áo gạo tiền, cả trong lãnh vực giáo dục và y tế, trong lãnh vực kinh tế và chính tri, cả trong lãnh vực văn hóa và thể thao, an ninh và quốc phòng…

Tác giả: Lm Nguyễn Văn Nghĩa HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập744
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm742
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại948,266
  • Tổng lượt truy cập57,049,903
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây