Chúa nhật 26 TN. Làm ngay hôm nay!

Thứ sáu - 26/09/2014 07:11

-

-
Thiên Chúa là Đấng của hôm nay: Với Thiên Chúa, cái hiện tại là cái quan trọng nhất, là cái có tính quyết định. Trước đây ngươi sống công chính mà bây giờ ngươi làm điều gian ác thì ngươi phải chết.

LÀM NGAY HÔM NAY!
(Chúa Nhật XXVI TN A)


 
Những gì hôm qua thì đã qua, chuyện ngày mai thì chưa tới, còn việc hôm nay thì đang ở trong tầm tay. Đã là người có lương tri bình thường thì không ai vô tâm, bạc tình khi sống quay lưng với cội nguồn lịch sử và cũng ít có ai sống mà không hướng tới tương lai. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng cái hôm nay mới là cái mang tính quyết định. Chính vì thế nhiều lúc chúng ta cần phải có thái độ “tự do” một cách nào đó với những gì đã qua và với những gì chưa tới.
 
Đừng quá bám víu vào sự đã qua cho dù đó là những thành quả lẫy lừng, những chiến công hiển hách hay là những thất bại ê chề, những lỗi lầm tủi nhục. Nếu quá khứ của ta là những sự màu hồng thì đáng trân trọng, nhưng hãy coi chừng chuyện thường tình của kiếp người là rất dễ ngủ quên trên chiến thắng và nhất là hãy đề phòng cám dỗ tự kiêu, tự mãn, một cám dỗ thường gây “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
 
Thực tiễn cho thấy chuyện vì tự hào, tự mãn“đã đánh thắng hai đế quốc to”, nên các nhà lãnh đạo nước Việt đã dần đưa đất nước ngụp lặn trong hố sâu của nghèo khó, tụt hậu do chính cái tư duy, nếp nghĩ và cung cách hành xử kiểu “chủ quan, duy ý chí”.
 
Nếu quá khứ của ta vướng đầy những sự nhuốm màu tím hay đen thì cũng đáng nghiền ngẫm để tự kiểm và rút kinh nghiệm, nhưng cũng phải canh chừng cám dỗ buông xuôi, ngã lòng. Lỗi lầm nào cũng để lại vết thương đau. Thất bại là mẹ thành công. Có người do bị ám ảnh bởi những lỗi lầm, hay thất bại của quá khứ mà nản chí, buông xuôi. Cũng có người biết tích lũy những vết thương đau thành chuỗi kinh nghiệm làm nền tảng cho những thành quả hôm nay. Bài học lịch sử thật đáng quý, tuy nhiên lịch sử không phải là vòng tròn lặp lại cái đã qua như cũ, như xưa.
 
Đừng quá ảo vọng vào những gì chưa đến. Tương lai thường chất chứa những sự tốt đẹp, vì đó là ước mơ của con người. Chẳng ai lại đi mơ ước điều xấu xa tồi tệ cho chính mình. Họa hiếm mới có một đôi người, khi ở trong tình trạng bất bình thường, mới mong những sự chẳng nên cho bản thân. Đã là người, cần phải có hoài bảo và ước mơ. Tuy nhiên cũng cần thận trọng trước cám dỗ xa rời thực tế. Đã có đó một vài chủ thuyết vẽ vời viễn ảnh tương lai “to đẹp hơn gấp mười, gấp trăm ngày nay” để rồi lòe bịp đồng loại lãng quên không nhìn thẳng vào cái hiện tại, một hiện tại đầy bất công, dối trá…
 
Thiên Chúa là Đấng của hôm nay: Với Thiên Chúa, cái hiện tại là cái quan trọng nhất, là cái có tính quyết định. Trước đây ngươi sống công chính mà bây giờ ngươi làm điều gian ác thì ngươi phải chết. Người tội lỗi xưa làm nhiều sự gian ác mà bây giờ bỏ điều dữ, làm điều chính trực công minh thì sẽ được sống. Ngôn sứ Êdêkien minh nhiên nói thay Thiên Chúa sự thật này (x.Ed 18,27-28).
 
Đến trần gian, Chúa Kitô thường cảnh tỉnh nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, những người vốn tự hào về công nghiệp đã qua của mình. Khi kể câu chuyện về hai người con, Chúa Kitô đã làm nổi rõ cái giây phút hiện tại. Người con cả sở dĩ được chấp nhận dù trước đó không vâng lời Cha nhưng giờ này anh hối hận và vâng theo lời cha. Trái lại, người con thứ, trước đó đã mau mắn đáp vâng lời cha mà giờ này anh lại không làm theo ý cha thì cũng bằng không. Để khẳng định chân lý này Chúa Kitô còn nói với những Thượng tế và kỳ mục hôm ấy bằng một kiểu nói long trọng: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin.” (Mt 21,31-32).
 
Một số nhà chú giải phân tích chữ “trước” còn có nghĩa là “thay thế”, nghĩa là những người thu thuế và gái điếm sẽ thế cái chỗ của các vị Thượng tế và kỳ mục trong Nước Trời. Kết thúc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”, Chúa Kitô đã nêu bật lời của người cha với đứa con cả: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỉ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”(Lc 15, 32).
 
Sống mà không có ngày mai là một cuộc sống thiếu định hướng, thiếu tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên cái của ngày mai phải được đặt nền tảng vững vàng trên cái của hôm nay. Nhiều khi chúng ta có thể quá lo lắng cho những sự chưa đến mà bỏ quên bổn phận trong hiện tại. “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo…”(Mt 6,34). “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11). “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa!” (x.Tv 95,7-8)
 
Đừng để đến ngày mai những gì tốt đẹp và phải đạo có thể làm trong ngày hôm nay: Xét về mặt tiêu cực, dưới nhãn quan đức công bằng thì nếu giam tiền công nhật của người làm công đến hôm sau là đã phạm lỗi bất công (x.Lv 19,13). Còn trên bình diện đức ái thì nếu bỏ qua một việc tốt, một việc lành trong khả năng và hoàn cảnh của ta hôm nay thì đã phạm một điều tồi tệ, đó là tội thiếu sót mà chúng ta thường đấm ngực thú lỗi trong phần khởi đầu của Thánh Lễ: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và những điều thiếu sót…”
 
Lúc sinh thời, mỗi khi gặp những người bệnh tật, dù đó là ngày Lễ nghỉ và theo luật Do Thái giáo bấy giờ thì không được phép, nhưng Chúa Giêsu vẫn ra tay thi ân giáng phúc, bất chấp nhiều luật sĩ và biệt phái giận dữ chống đối và thậm chí còn tìm cách giết Người. Phải làm ngay hôm nay, lúc này, ở đây (hic et nunc) những điều chính đáng và phải đạo trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Bởi chưng, nhiều lúc, chính khi không làm điều thiện là làm điều ác, không cứu sống là giết chết, không bênh vực công lý là toa rập với sự gian dối, bất công… (x.Mc 3,4).
 
Những kẻ tự cao là những người luôn nhớ và muốn kẻ khác nhớ mình đã làm một sự gì đó. Những người tự ti là những người không thể quên và nghĩ rằng người ta không thể quên mình đã lầm lỡ một sự gì đó. Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó (mà không bao giờ làm) (Les paresseuses sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose - Ngạn ngữ Pháp). Những người hèn nhát là những người luôn khát khao một sự gì đó (mà không dám làm). Còn những người công chính là những người bắt tay làm ngay những sự phải làm, đáng làm, nên làm, hôm nay, lúc này.

Tác giả: Lm Nguyễn Văn Nghĩa HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập584
  • Hôm nay69,373
  • Tháng hiện tại890,032
  • Tổng lượt truy cập56,991,669
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây