Sài Gòn 2016 đâu rồi: 'Ê, xích lô!'?

Thứ năm - 08/12/2016 19:10

-

-
Xích lô một phương tiện thân quen ở Sài Gòn hàng bao năm nay. Giờ chỉ là hoài niệm nơi quá khứ. Những chiếc xe giờ đây cũng bóng bẫy, sáng loáng hơn nhưng để chở du khách là chủ yếu. Còn cay đắng hơn cả xe ôm bắt khách,...
Sài Gòn 2016 đâu rồi: 'Ê, xích lô!'?
 

Xích lô chở khách Tây trên đường phố Sài Gòn
 
Xích lô một phương tiện thân quen ở Sài Gòn hàng bao năm nay. Giờ chỉ là hoài niệm nơi quá khứ. Những chiếc xe giờ đây cũng bóng bẫy, sáng loáng hơn nhưng để chở du khách là chủ yếu. Còn cay đắng hơn cả xe ôm bắt khách, xích lô đang dần lui vào dĩ vãng...
 
Cơm bụi nhai trệu trạo qua bữa
 
Hầu hết những người còn sót lại với phận còng lưng đạp xe này đều có mái tóc hoa râm. Hằng ngày họ cặm cụi đạp xe dọc những tuyến phố chở hàng và chở khách du lịch. Với họ, đó là công việc mưu sinh đã nhiều năm, nuôi sống bản thân và gia đình.
 
Vài năm gần đây, xe ôm công nghệ tung hoành khắp nơi khiến không chỉ xe ôm truyền thống mà xích lô cũng chật vật theo.
 
Trước tình thế trên, hàng chục người đạp xích lô trên địa bàn TP có thâm niên trên dưới 20 năm đã đồng nhất hội tụ lại thành một nhóm với tên “Cyclo city tour” và cử một đại diện liên hệ với những công ty tour du lịch trên địa bàn TP, nhận khách qua điện thoại với giá niêm yết 50.000 đồng/giờ.

 
 
Những thành viên trong đội đa phần là người lớn tuổi từ quê nghèo lên Sài Gòn mưu sinh. Họ đoàn kết lại chia sẻ khó khăn, xem nhau như anh em. Đêm đến lấy xe làm giường, vỉa hè là nhà, cơm bụi nhai trệu trạo qua bữa, gửi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi về quê nuôi vợ con.
 

Trước khó khăn, những xích lô ở Sài Gòn lập nghiệp đoàn “Cyclo city tour” nhận khách qua
điện thoại. ẢNH: AN HUY
 
Ông Trần Văn Thiện (60 tuổi, quê H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho biết, trước đây ở quê làm ruộng, quần quật quanh năm nhưng vẫn nghèo khổ. Ông bỏ quê lên Sài Gòn lang thang chợ Cầu Muối làm đủ nghề, ai thuê gì làm đó rồi tích góp tiền mua được chiếc xích lô hoạt động ở khu chợ này.
 
Những năm 1990 xe máy không nhiều, xích lô đón khách, chở hàng liên tục cũng có tiền. Tuy nhiên, đến năm 2001, chợ Cầu Muối bị giải tỏa cộng với quá trình đô thị hóa tăng nhanh, nghề xích lô dần trở nên lỗi thời. Khách đi xe và chở hàng dần ít đi, thu nhập cũng trở nên bấp bênh. Và nghề thật sự khó khăn hơn trong một năm trở lại đây, có ngày đi làm không chở được khách nào.
 
Bây giờ về quê cũng không việc gì làm. Những cánh đồng lúa bạt ngàn giờ đã được máy móc cơ giới thu hoạch. Ruộng bị nhiễm mặn nặng, chỉ còn cách chuyển qua nuôi tôm sú nhưng không có vốn nên phải bám trụ với nghề này.
 
Từ khi gia nhập xích lô tour, thu nhập dần ổn định hơn, không phải chạy bắt khách mà chỉ dừng ở một điểm nhất định, công ty có khách sẽ gọi cho mình. Mỗi giờ chạy 50.000 đồng, tính ra một ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng, cũng đủ sống.
 
“Chú sống ở Sài Gòn mấy chục năm nay, nắng gió hoài nên giờ không biết khổ là gì nữa. Ban ngày chạy xích lô. Tối đến về dưới P.Cô Giang (Q.1) dựng xe trên vỉa hè ngủ qua bữa, mai đi làm tiếp. Tắm rửa thì vào nhà vệ sinh công cộng, chỉ mong mỗi tháng kiếm được ít tiền gửi về lo cho hai đứa con ăn học”, ông Thiện nói.
 
Đạp xích lô quá nửa đời người
 
Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Lấn (66 tuổi, quê H.Phú Tân, An Giang) có 40 năm trong nghề chia sẻ, xích lô bây giờ không vào nghiệp đoàn và không có mối thì khó sống nổi. Xích lô chỉ có khách Tây sử dụng còn không ai thèm đi nữa.
 
Ông Lấn cho biết lên Sài Gòn chạy xích lô từ những ngày đầu giải phóng. Khi đó đường phố còn lộc cộc xe ngựa. Xã hội dần dần phát triển, xe ngựa cũng biến mất chỉ còn những người gắn bó với xích lô lâu năm. Nghề này đã nuôi cả gia đình có 4 đứa con của ông ăn học đầy đủ, nên người.
 

Ông Nguyễn Văn Lấn (quê An Giang) đã thăng trầm qua hơn 40 năm nghề xích lô ở Sài Gòn
ẢNH: AN HUY
 
Tuy đã gắn bó với Sài Gòn gần nửa đời người, trải qua biết bao thăng trầm nhưng vẫn không tránh khỏi những "vố lừa" ở mảnh đất phồn hoa này. Ông Lấn kể, lúc chưa vào nghiệp đoàn, một lần ông chở khách từ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) lên chợ Hòa Bình (Q.5) tham quan. Đến nơi, khách để lại một giỏ xách và bảo đợi mua hàng xong ra về trả tiền luôn. Một lúc sau khách chạy ra nói thiếu tiền, mượn ông 100.000 đồng khi về nhà trả luôn thể, tin người nên ông đưa.
 
Tuy nhiên, một lúc sau đợi hoài vẫn không thấy, khi mở túi xách ra thì không có gì, đến lúc đó mới biết mình bị lừa. Cũng có trường hợp, đang chở thì khách nhảy xuống xe và bỏ chạy, ông chỉ biết cười cho qua chuyện.
 
“Qua bao nhiêu năm làm việc, khả năng ngoại ngữ cũng được nâng cao, giờ tui có thể nói chuyện với khách Tây rành rọt, thậm chí hát cho họ nghe”, ông Lấn cười.
 
Xuất thân trong một gia đình chính gốc Sài Gòn, tuy nhiên cuộc sống trải qua nhiều biến cố đã khiến ông Nguyễn Văn Tòng (69 tuổi, ngụ P.Cầu Ông Lãnh, Q.1) trở nên khắc khổ. Ngồi trên chiếc xích lô giữa trưa nắng dưới gốc cây me trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1), ông lặng lẽ nhìn dòng người qua lại với điếu thuốc lá hút dở trên tay. Ông kể, trước đây ông có nhà ngay chợ cầu Ông Lãnh, gia đình làm ăn khá giả, con cái đang tuổi đi học được chu cấp đầy đủ.
 
Tuy nhiên vào năm 1989, khu vực nhà ông xảy ra một vụ cháy lớn, toàn bộ tài sản gia đình bị thiêu rụi hoàn toàn. Vốn liếng và gia sản trong nhà trở thành tro bụi. Khốn khổ thay, sau vụ cháy, nhà ông bị giải tỏa, số tiền đền bù ít ỏi không đủ để xoay xở mua căn khá. Gia đình lưu lạc trong những căn phòng trọ từ đó.
 

Trải qua nhiều biến cố, ông Nguyễn Văn Tòng vẫn cố gắng đi làm nuôi gia đình dù đã già
ẢNH: AN HUY
 
Ông có hai người con gái, tuy nhiên cả hai đều bị nạn và mất để lại 3 đứa cháu. Con rể cũng bỏ con mà đi nơi khác. Hằng ngày, ông lang thang trên đường phố với những cuốc xe xích lô chở khách và hàng hóa kiếm ăn nuôi cháu và vợ qua ngày. Đến nay mấy đứa cháu cũng đã lớn nhưng chưa giúp gì được cho ông bà ngoại.
 
Ông cho biết gia nhập nghiệp đoàn xe xích lô “Cyclo city tour” được một năm. Mỗi ngày bên công ty có khách, gọi điện cũng chạy được tầm 3 cuốc xe, thu nhập hơn 100.000 đồng đủ cho vợ uống thuốc và trả tiền trọ.
 
“Trước đây tui chạy xích lô, sau chuyển qua nghề mua thơm về gọt bán cho các quán ăn. Tuy nhiên, gọt thơm phải thức khuya dậy sớm vất vả nên chuyển sang xích lô lại. Giờ sức yếu lắm rồi nhưng phải bươn chải kiếm sống qua ngày. Sống ở Sài Gòn không có tiền thì miếng nước cũng không có mà uống”, ông Tòng nói.
 
Và như vậy, hằng ngày những chiếc xe xích lô chở khách Tây xuất hiện, miệt mài đạp xoay vòng bánh xe qua dòng chảy thời gian.

Tác giả: An Huy

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập602
  • Hôm nay31,037
  • Tháng hiện tại851,696
  • Tổng lượt truy cập56,953,333
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây